Từ điểm cầu Bộ Giáo dục & đào tạo, thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng cần phải ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục trẻ khuyết tật. |
Ngày 11/8, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam với sự hỗ trợ của các tổ chức Angel’s Haven, Hàn Quốc, Giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA), ACDC,… tổ chức hội thảo “Giáo dục Đặc biệt Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức”.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh nhấn mạnh công tác giáo dục người khuyết tật luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội. Thứ trưởng Minh mong đợi qua hội thảo này, những vấn đề lớn của giáo dục đặc biệt Việt Nam sẽ được tập trung thảo luận và đưa ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của CMCN 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục trẻ khuyết tật, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
Buổi hội thảo thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu trong khu vực và trên thế giới về các lĩnh vực liên quan đến giáo dục TKT như ông Cho Joon Ho, Giám đốc Tổ chức Angel’s Haven, Hàn Quốc; TS. Kim Sam Sung, chuyên viên tư vấn về giáo dục đặc biệt của Tổ chức Angel’s Haven; TS. Chih Kang Yang, Trưởng khoa Giáo dục Đặc biệt, Đại học Hoa Đông, Đài Loan; PGS.TS. Amah Al-Kabbany chuyên gia VR Canada; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Từ điểm cầu Hàn Quốc, ông Cho Joon Ho, Giám đốc Tổ chức Angels’ Haven, cho rằng người khuyết tật cần được hỗ trợ toàn diện về học tập, việc làm, giải trí. |
Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin khoa học, cập nhật về lĩnh vực giáo dục đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới và tại Việt Nam hiện này. Từ đó, các chuyên gia chia sẻ các kết quả nghiên cứu lí luận và thực tiễn về phát triển chương trình giáo dục đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực giáo dục đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giáo dục trẻ khuyết tật, tổ chức giáo dục cho người khuyết tật trong bối cảnh CMCN 4.0.
Hội thảo cũng nhận định, cần phải xây dựng được mạng lưới giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, giáo viên, cha mẹ trẻ và những người quan tâm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật.
Với hơn 60 bài viết được gửi về Hội thảo; 40 bài được chọn và đăng trong số đặc biệt của Tạp chí khoa học giáo dục và Kỷ yếu hội thảo; các bài viết đến từ các nhà nghiên cứu, học giả của các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước, cũng như từ các quốc gia trên thế giới như Canada, Hàn Quốc,… Hội thảo được tổ chức thành 02 phiên tổng thể với 4 phiên thảo luận song song về nhiều chủ đề chuyên sâu về giải pháp giáo dục đối với trẻ khuyết tật trong bối cảnh CMCN 4.0.