Báo cáo được đưa ra tại cuộc họp cho thấy, từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng hoạt động quản lý VSATTP vẫn được triển khai tích cực. Công tác bảo đảm ATTP tiếp tục có những chuyển biến căn bản, ý thức chấp hành pháp luật của cả người sản xuất, người kinh doanh, cán bộ quản lý, người tiêu dùng được nâng cao, hình thành nếp sống văn hóa trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Công tác thanh tra, kiểm tra đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng. Hầu hết các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai…
Theo thống kê, lực lượng chức năng tại 63 tỉnh, TP đã kiểm tra gần 282.000 cơ sở, phát hiện hơn 38.100 cơ sở vi phạm về ATTP; đã xử lý gần 6.800 cơ sở với số tiền phạt gần 15,8 tỷ đồng. Các bộ, ngành trong 6 tháng đầu năm cũng đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về VSATTP.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo yêu cầu cần tăng cường các giải pháp quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có tính răn đe, quyết liệt hơn nữa. Có những chế tài mạnh hơn, đặc biệt thực hiện các biện pháp bổ sung như buộc đóng cửa, dừng kinh doanh… nếu phát hiện tái phạm. Thời gian tới, cần tập trung thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm đóng gói ở trong nước và nhập khẩu vì có thể chứa các chất phụ gia hoặc quy trình sản xuất, chế biến không bảo đảm VSATTP.
Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin, báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu về ATTP, dần từng bước hoàn thiện quy trình quản lý VSATTP theo rủi ro như mô hình tiên tiến trên thế giới và quy định của Luật ATTP.