Siết chặt quản lý
Đầu tháng 6, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có chỉ đạo yêu cầu Cục Thuế các địa phương rà soát, kiểm tra toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), trên sàn giao dịch. Các tổ chức, cá nhân tham gia tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ quảng cáo, cung cấp phần mềm cũng nằm trong diện rà soát lần này. Đặc biệt, lãnh đạo ngành Thuế lưu ý với nhóm kiểm tra là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ.
Công điện ngày 6/6 của Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hình thức bán hàng qua livestream, đặc biệt trên các sàn giao dịch TMĐT ngày càng phổ biến. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tăng thanh, kiểm tra với hoạt động này. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng, nhận hoa hồng từ quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thủ tướng yêu cầu chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành siết quản lý trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Cụ thể, Bộ Công Thương được giao rà soát các quy định về quản lý TMĐT, xử phạt vi phạm hành chính với sản xuất, mua bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành nghiên cứu giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân kê khai, nộp thuế; có các giải pháp chống thất thu thuế, xử nghiêm vi phạm về thuế, hải quan trong TMĐT.
Để định danh, xác thực cá nhân, tổ chức nhằm kiểm soát gian lận, trốn thuế, ngành tài chính cũng được giao xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu quản lý thuế (QLT) với các Bộ, ngành khác như Công an, Ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước tăng kiểm tra, giám sát giao dịch thanh toán điện tử, hỗ trợ giao dịch TMĐT. Các tổ chức tín dụng, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được yêu cầu hỗ trợ QLT bằng việc cung cấp thông tin của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân có thu nhập từ các nền tảng xuyên biên giới…
Rà soát, đối chiếu dữ liệu
Hình thức bán hàng qua livestream, đặc biệt trên các sàn giao dịch TMĐT ngày càng phổ biến. Theo dự báo của công ty tư vấn McKinsey & Company, mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng TMĐT vào đầu năm 2026. Hiện doanh thu TMĐT của Việt Nam, là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về TMĐT nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo kết quả 1 năm triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công tác QLT đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, phát triển TMĐT là một xu thế tất yếu trong cuộc Cách mạng 4.0. Điều này đặt ra yêu cầu về QLT, quản lý chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo…
Theo số liệu QLT, đến năm 2024 ngành Thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT, trong đó: cá nhân là 88.147. Ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 con số này là 97 nghìn tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024 là trên 50 nghìn tỷ đồng.
Để QLT TMĐT, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề xuất một số giải pháp trọng tâm triển khai trong thời gian tới, như: Đẩy mạnh kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các Bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu TMĐT, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra, kiểm tra; Rà soát lại các nghị định, thông tư liên quan đến TMĐT để sửa cho phù hợp; Xây dựng Cổng thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn TMĐT trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế; đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa; áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt…