Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia đã xác định "Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; dựa vào dân, lấy dân làm gốc "mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống".
Ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg để tiếp tục đổi mới, nâng cao công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại về xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Thực hiện Quyết định nêu trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 264/QĐ-BTTTT ngày 7/3/2024 ban hành Kế hoạch triển khai các nội dung của Quyết định số 1191/QĐ-BTTTT trong năm 2024, trong đó có nhiệm vụ tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ biên giới tổ quốc.
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị |
Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ biên giới quốc gia và công tác biên phòng nói riêng đặt ra những yêu cầu ngày càng cao. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy cần đặc biệt quan tâm đến công tác phổ biến chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ biên giới tổ quốc, nhất là đối với các đối tượng là cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên. Đây là những người đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến chính sách, pháp luật thông qua các tin, bài, các phóng sự của mình để lan tỏa thông điệp bảo vệ biên giới tổ quốc đến mọi tầng lớp nhân dân.
Theo ông Hồ Hồng Hải, Hội nghị nhằm đem đến cái nhìn tổng quát về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về các vấn đề biên giới, lãnh thổ cũng như tình hình thực thi pháp luật ở các tỉnh biên giới để làm cơ sở phục vụ tốt hơn nữa cho công việc của những người tham gia tập huấn.
Hội nghị đã lắng nghe tham luận về “Tình hình thực thi pháp luật ở khu vực biên giới và Triển khai Luật Biên phòng Việt Nam” của Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng. Theo Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 11/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng trình bày tham luận tại Hội nghị |
Sau gần 2 năm có hiệu lực thi hành, đến nay, có thể khẳng định rằng, Luật BPVN đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho BĐBP và các lực lượng chức năng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; mang lại giá trị pháp lý và thực tiễn, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong bảo vệ biên giới từ sớm, từ xa, tạo điều kiện để đất nước hội nhập và hợp tác quốc tế; xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Trong tham luận về “Tình hình thế giới, khu vực, quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta”, ông Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao trình bày về một số nội dung chính về đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, trong đó, nguyên tắc đối ngoại của Việt Nam là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Ông Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao trình bày tại Hội nghị |
Về định hướng, Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Triển khai toàn diện, đồng bộ đường lối đối ngoại trên các lĩnh vực: Chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác.