Trong giai đoạn 1 từ năm 2021 đến 2024, dự án đã được triển khai đồng bộ ở 2 huyện Đakrông, Triệu Phong và thành phố Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị, thu được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, đã có gần 64.000 người hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp được hưởng lợi từ dự án; 06 Đội xung kích cộng đồng tại 6 xã dự án đã được trang bị các kỹ năng sơ cấp cứu với sự tham gia của 360 thành viên thông qua 18 khóa đào tạo; 1.500 hộ gia đình đã tiếp cận được quỹ phòng ngừa thiên tai thông qua Tổ tiết kiệm và vốn vay thôn bản tại 12 cộng đồng dự án; 3.000 trong số 15.156 người đã biết cách sơ tán khi lũ xảy ra thông qua việc tham gia các sự kiện nâng cao nhận thức; 1.550 hộ gia đình đã có thể tiếp cận được biển báo Hệ thống cảnh báo sớm được trang bị tại các cộng đồng; 06 Kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp xã đã được lồng ghép vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thông qua định hướng và vận động được thực hiện trong khuôn khổ của dự án này.
Trước những tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đối với Việt Nam nói chung và vùng triển khai chương trình nói riêng, dự án hướng tới việc lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai có tính đáp ứng về giới và toàn diện ở cấp cộng đồng, hợp tác với chính quyền địa phương để thực hiện các hành động ứng phó toàn diện và dựa vào cộng đồng song song với hỗ trợ các cơ quan Chính phủ trong nước tạo ra môi trường thuận lợi cho các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu lấy thanh, thiếu niên làm trung tâm.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Văn Cầu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Tỉnh Quảng Bình là một tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có 85% diện tích đồi núi, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại… Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của dự án trong việc hỗ trợ các địa phương trong các địa bàn dự án trong giai đoạn 1 tăng cường khả năng thích ứng với rủi ro thiên tai qua các hoạt động can thiệp tại cộng đồng trong những năm vừa qua. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai chương trình giai đoạn tới phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương để giảm thiểu tác động bất lợi của thiên tai và biến đổi khí hậu”.
Bà Migena Shulla - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Plan International Việt Nam nhấn mạnh: “Các cộng đồng ở tuyến đầu đối mặt với biến đổi khí hậu, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và các dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi của Việt Nam, đang phải đối mặt với những rủi ro ngày càng nghiêm trọng. Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho cộng đồng” không chỉ trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng thiết yếu, mà còn trao quyền để họ tự tin ứng phó và giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu”.