Tham dự và phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng đã đề cập việc giải quyết các thách thức đang đe dọa đến pháp luật và trật tự trên biển, bao gồm gia tăng tội phạm trên biển, cướp biển; buôn bán ma túy, buôn người diễn ra thường xuyên; nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định diễn biến phức tạp…
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng thực thi pháp luật trên biển và sự cần thiết của việc hợp tác giữa các cơ quan này để kiểm soát, ngăn chặn, ứng phó với những thách thức trên. Theo Thứ trưởng Dũng, việc thực thi hiệu quả nghĩa vụ của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển không chỉ đóng góp vào việc theo đuổi các lợi ích hàng hải quốc gia trong ba khía cạnh của an ninh hàng hải, an toàn hàng hải và phát triển nguồn lợi hải biển mà còn đảm bảo những điều này được thực hiện theo luật pháp quốc tế.
Hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về Tăng cường hợp tác khu vực trong thực thi pháp luật trên biển là hoạt động đầu tiên triển khai triển khai Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ARF về tăng cường thực thi luật pháp trên biển, với mục đích trao đổi, tăng cường đối thoại nhằm bảo đảm an ninh biển ở khu vực. Trong ngày đầu tiên, Hội thảo tiến hành 2 phiên thảo luận bao gồm Thách thức an ninh biển ở khu vực và sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển và Rà soát các hợp tác thực thi pháp luật trên biển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Các ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh biển là huyết mạch cho thương mại quốc tế, nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế của các quốc gia ven biển, đồng thời là sinh kế của cộng đồng người dân ven biển. Do vậy, việc đảm bảo an ninh, an toàn và ổn định trên biển có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với các quốc gia và người dân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, bên cạnh các vấn đề an ninh truyền thống như tranh chấp lãnh thổ và vùng biển, ngày càng có nhiều thách thức an ninh xuyên quốc gia, phi truyền thống nổi lên trên các vùng biển và đại dương.
Trong bối cảnh đó, Hội thảo đánh giá sự hợp tác thực thi pháp luật ở khu vực là một phần trong nỗ lực đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, đặc biệt là theo các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển còn gặp một số khó khăn như: các quốc gia có thể chế về lực lượng thực thi pháp luật trên biển khác nhau, các tranh chấp về biển và lãnh thổ còn tồn tại trong khu vực… Theo các đại biểu, điều kiện tiên quyết để hợp tác tốt giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển là niềm tin giữa các bên. Niềm tin này được xây dựng dựa trên các biện pháp được đưa ra tại các diễn đàn như ARF và các cơ chế khu vực khác.
Hôm nay (19/1), Hội thảo tiến hành phiên họp thứ 3 có chủ đề Hợp tác khu vực giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển: Nguyên tắc, Phạm vi và Biện pháp. Phiên này sẽ thảo luận và đưa ra khuyến nghị về phương thức hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển trong khu vực, xác định các điều kiện cần thiết như: hiểu biết về chính sách nội bộ của các nước liên quan đến chức năng, quyền hạn, phương thức hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của từng quốc gia, qua đó xác định các điểm đồng về nguyên tắc, phạm vi và các biện pháp hợp tác khả thi.