Thời gian qua, trên cơ sở Kế hoạch của Bộ Tư pháp và hướng dẫn của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), các cơ quan THADS trên cả nước đã tổ chức quán triệt, triển khai chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, nghiên cứu áp dụng thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (TTHC) và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, đảm bảo công tác theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) đi vào nề nếp, các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành nghiêm theo quy định.
Nhiều địa phương đã phân công cán bộ phụ trách theo dõi và lập hồ sơ theo dõi thi hành án hành chính bảo đảm theo quy định; Cục THADS một số tỉnh đã chủ động tham mưu nhằm quán triệt đến Sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã chấp hành nghiêm túc các quy định tố tụng hành chính, thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật. Đối với những vụ việc phức tạp, khó khăn, cơ quan THADS đã chủ động làm việc trực tiếp với các sở ngành liên quan để thống nhất phương hướng giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, theo phản ánh, việc thi hành án hành chính hiện còn rất nhiều khó khăn. Thể chế về THAHC ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên pháp luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể về trình tự, thủ tục THAHC đối với các nghĩa vụ phải THAHC, thực tiễn vẫn cần những hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục THAHC đối với từng dạng bản án khác nhau để thống nhất trong nhận thức và thực hiện bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Hiện nay các cơ quan THADS ở địa phương thực hiện chức năng theo dõi THAHC chưa có bộ phận chuyên môn, chuyên trách; Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thực hiện theo dõi công tác thi hành án hành chính còn bất cập. Hầu hết Chấp hành viên được phân công theo dõi là kiêm nhiệm với chức năng tổ chức thi hành án dân sự; Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức về công tác THAHC chưa được quan tâm;
Bản án, quyết định của Tòa về vụ án hành chính người phải thi hành án là cơ quan nhà nước, do đó việc thi hành án hành chính là công việc hết sức khó khăn, phức tạp nhất là khi cơ quan là người phải thi hành án cố tình không chấp hành kết quả xét xử của Tòa án, trong khi pháp luật về thi hành án hành chính chưa có một cơ chế đủ mạnh và khả thi bảo đảm cho việc thực thi các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính trên thực tế.
Kết quả xét xử của Tòa án đối với một số vụ án không nhận được sự đồng thuận cao; một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, thiếu tính khả thi, đề nghị giải thích, sửa đổi, bổ sung dẫn đến vụ việc kéo dài; một số vụ việc không có sự hợp tác từ phía người được thi hành án cũng như tổ chức, cá nhân, có liên quan. Nhận thức của người dân về quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính chưa đầy đủ nên chưa thực hiện hết quyền yêu cầu thi hành án của người được thi hành án.
Nâng cao kết quả thi hành án hành chính, nhiều địa phương đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường công tác giám sát việc chấp hành luật trong giải quyết các vụ án hành chính và công tác THAHC nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giải quyết vụ việc hành chính và thi hành án hành chính;
UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt đối với các cơ quan hành chính là người phải thi hành án; Xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành, không chấp hành, chấp hành không đúng, không đầy đủ nội dung bản án, quyết định; Chậm hoặc không thông báo kết quả thi hành án cho Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án theo quy định;
Đề nghị VKSND các tỉnh tăng cường việc tuân theo pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc THAHC; Kịp thời kiến nghị, yêu cầu người phải thi hành án hành chính, cơ quan tổ chức cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án hành chính để có biện pháp tổ chức thi hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án.
Các cơ quan THADS cần tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác thi hành án hành chính, sự tham gia vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị. Cục THADS tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ theo dõi THAHC; tăng cường kiểm tra công tác theo dõi THAHC tại các Chi cục THADS có số việc phải THAHC nhiều; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn về công tác theo dõi thi hành án hành chính cho Lãnh đạo, Chấp hành viên các cơ quan THADS được phân công tham mưu theo dõi thi hành án hành chính.