Phải giải quyết chồng chéo và trùng lặp trong hoạt động thanh tra
Phát biểu tại phiên họp, về tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, qua báo cáo thẩm tra, thảo luận ở tổ, có ý kiến cho rằng không cần thanh tra ở cấp huyện, vì nhu cầu thanh tra ở cấp huyện ít.
“Tôi cho rằng những lý do đó là chưa sâu sát. Đề nghị cần có khảo sát xem có bao nhiêu người trong số hơn 700 Chủ tịch UBND cấp huyện trong cả nước nói không cần thiết phải có Thanh tra cấp huyện. Đây là những người sát thực nhất, nắm tình hình, chất lượng hoạt động, hiệu quả công tác và sự cần thiết có hay không có của tổ chức Thanh tra cấp huyện hiện nay và từ trước tới nay”, đại biểu nói.
Đại biểu đề nghị giữ nguyên mô hình Thanh tra cấp huyện như hiện nay. “Không có Thanh tra cấp huyện thì ai sẽ giúp Chủ tịch UBND huyện phát hiện sơ hở, phát hiện vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nhất là vi phạm những quy định của chính quyền cấp huyện ban hành?
Nếu nói chuyển cho Thanh tra tỉnh làm thì khi đó Thanh tra tỉnh ngoài chức năng là cơ quan giúp việc của UBND tỉnh, đồng thời cũng lại giúp việc cả UBND cấp dưới nữa liệu có ổn không?”, đại biểu nói.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, phải đánh giá là thực trạng Thanh tra cấp huyện làm được ít cuộc thanh tra chứ không phải nhu cầu thanh tra ở cấp huyện ít. “Là do ít người, do thường xuyên luân chuyển nên trình độ chuyên môn hạn chế, lại quen biết nên hiệu quả thấp, do nể nang, xuê xoa, thậm chí còn không làm được theo đúng ý chí của mình, bản lĩnh của mình. Các nguyên nhân đó là lỗi của công tác quản lý bộ máy và chính quy định của luật”, đại biểu nhận định.
Mặt khác, đại biểu cho rằng, hằng năm, Thanh tra cấp huyện có ít cuộc thanh tra còn vì phải tập trung thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh để giúp chủ tịch UBND cùng cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh.
“Nếu bỏ Thanh tra cấp huyện thì phải có bộ máy thay thế, khi đó việc giảm biên chế, đầu mối ở cấp huyện lại là chuyện đánh bùn sang ao”, đại biểu nêu quan điểm.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu thấu đáo để luật sửa đổi lần này khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền hoạt động thanh tra các cấp giữa Thanh tra bộ, ngành, sở với thanh tra các cấp hành chính cấp dưới.
Mặt khác, cũng cần có quy định sao cho không còn xảy ra tình trạng mời thanh tra để tránh kiểm toán hoặc mời kiểm toán để tránh thanh tra.
“Quy định của dự thảo về việc phối hợp giữa thanh tra và kiểm toán cũng chưa giải quyết được triệt để vấn đề chồng chéo và trùng lặp giữa hoạt động của 2 cơ quan này, vì căn cốt của vấn đề là do chức năng, nhiệm vụ của 2 ngành theo quy định hiện nay không có sự tách bạch, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ có nhiều nội dung chồng lấn nhau.
Các quy định về việc phối hợp trao đổi thông tin giữa thanh tra và kiểm toán mới chỉ giải quyết được một số tình huống cụ thể trong xử lý chồng chéo giữa 2 lĩnh vực, luật chưa phân định được rõ chức năng, nhiệm vụ chồng chéo giữa 2 ngành nên việc chồng chéo sẽ vẫn còn tiếp diễn. Trong dự thảo luật quy định về xử lý chồng chéo cũng chưa có quy định về việc bắt buộc thừa kế kết quả thanh tra, kiểm toán đối với những nội dung mà đoàn kiểm toán hoặc thanh tra trước đó đã làm”, đại biểu nêu ý kiến.
Về thành lập đoàn thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, theo đại biểu, quy định như dự thảo Luật thì “mở quá”, dễ dẫn đến các bộ, ngành lại thành lập các thanh tra Tổng cục tràn lan như giai đoạn trước khi có Luật Thanh tra.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại phiên họp. |
“Lại có câu chuyện chồng chéo, một cơ quan phải đón quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm. Cho nên cần giới hạn lại là nếu luật chuyên ngành quy định thay vì pháp luật chuyên ngành quy định”, đại biểu nói.
Quy định rõ hơn quyền của thanh tra viên
Nhấn mạnh về các biện pháp về ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của đối tượng bị thanh tra, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, liên quan đến các quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, thu hồi tiền, tài sản trong quá trình thanh tra, Tờ trình của Chính phủ đã đề cập đến một bất cập lớn trong hoạt động thanh tra thời gian qua đó là việc thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích được phát hiện trong quá trình thanh tra và khắc phục, kiến nghị xử lý sau thanh tra đạt tỷ lệ thấp.
Tuy nhiên, theo đại biểu, qua rà soát các quy định của dự thảo luật cho thấy giải pháp cho bất cập nêu trên chưa được chú trọng.
Nhấn mạnh Chỉ thị số 04 -CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng kinh tế, để tăng cường hơn nữa hoạt động thanh tra và hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra trong công tác thu hồi tiền, tài sản nói chung qua hoạt động thanh tra nói riêng, đại biểu đề xuất bổ sung một số biện pháp ngăn chặn mà cơ quan thanh tra có thể áp dụng nhằm ngăn ngừa nguy cơ tẩu tán tiền, tài sản.
“Theo đó, cùng với việc nghiên cứu giao Trưởng đoàn thanh tra có thẩm quyền quyết định phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra thì cũng cần nghiên cứu giao Trưởng đoàn thanh tra có thể áp dụng biện pháp tạm giữ tiền, đồ vật, giấy tờ, nếu có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra sẽ tẩu tán tài sản này”, đại biểu nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị, đối với tài sản là động sản phải đăng ký hoặc bất động sản, cần nghiên cứu bổ sung biện pháp tạm dừng việc đăng ký chuyển dịch, thay đổi hiện trạng tài sản của đối tượng thanh tra nhằm ngăn chặn hoặc tạm dừng các hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản đối với đối tượng thanh tra.
Đối với trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm, cùng với việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, cần bổ sung quy định về phối hợp chuyển tiếp đối với các biện pháp ngăn chặn mà Trưởng Đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra đã thực hiện.
Cùng với đó, để bảo đảm việc thu hồi có hiệu quả tài sản trong các việc thanh tra, đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung quy định cho phép đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên thực hiện việc xác minh kê biên đối với tài sản của đối tượng thanh tra cần thu hồi.
“Các quy định này nếu được bổ sung cũng sẽ góp phần tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của đoàn thanh tra, thanh tra viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu Đỗ Đức Hiển nhận định.
Tuy nhiên, theo đại biểu, do các biện pháp ngăn chặn hoặc các biện pháp nhằm bảo đảm cho việc thu hồi tài sản như đã nêu trên đều là những biện pháp nhằm đặt tài sản của đối tượng bị thanh tra trong tình trạng bị hạn chế quyền sử dụng, định đoạt nên để bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng, cùng với việc mở rộng thẩm quyền cũng cần quy định trình tự, thủ tục chặt chẽ và có cơ chế giám sát của các cơ quan có liên quan.
Để khắc phục vướng mắc trong trường hợp phát hiện tiền, tài sản không thuộc phạm vi thanh tra nhưng có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng tiền, tài sản đó là kết quả của hành vi tẩu tán chuyển dịch của đối tượng thanh tra là người có chức vụ, quyền hạn, đại biểu đề nghị, dự thảo luật cũng cần bổ sung quy định Trưởng Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên có quyền yêu cầu cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập cung cấp thông tin có liên quan, để trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp phù hợp hoặc kiến nghị xử lý theo quy định.
“Để tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản, cùng với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về thanh tra như đã nêu trên, tôi cho rằng về lâu dài cũng cần nghiên cứu bổ sung các quy định trong pháp luật phòng, chống tham nhũng về trách nhiệm giải trình đối với tài sản của người thân trong gia đình hoặc người có liên quan, khi có cơ sở nghi ngờ những người này giúp đối tượng thanh tra tẩu tán, che giấu tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật. Với tài sản tăng thêm mà họ không giải trình được hợp lý thì cơ quan chức năng được quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án có thẩm quyền để có phán quyết về nguồn gốc của phần tài sản thu nhập đó theo trình tự khởi kiện vụ án dân sự”, đại biểu Đỗ Đức Hiển nói.