Theo giải thích của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương), quy định trên được xây dựng trên cơ sở có tính tới các điều kiện khó khăn trong hoạt động của các hội bảo vệ NTD tại Việt Nam hiện nay; đồng thời, nhằm cụ thể hóa chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức xã hội tham gia công tác BVQL NTD. Vì vậy, bên cạnh việc NTD khởi kiện vụ án dân sự để BVQL không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án thì Dự thảo Luật hiện đang bổ sung thêm chủ thể mới là tổ chức xã hội.
Ngoài ra, một thay đổi đáng kể nữa là quy định về tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về BVQL NTD do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng. Thực tế, trong quá trình khởi kiện, các tổ chức xã hội, cụ thể là các hội BVQL NTD cần sử dụng nguồn lực lớn để tham gia vụ kiện, bao gồm: con người, trình độ chuyên môn, chi phí và thời gian. Nếu thắng kiện, các hội sẽ có thể được bù đắp phần chi phí đã sử dụng nhưng nếu thua kiện, hội sẽ chịu nhiều khoản chi phí, bao gồm cả án phí, các chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện, tiền bồi thường thiệt hại cho bên thắng kiện.
Chính vì rủi ro như vậy nên thực tế trong giai đoạn 2011-2020 vừa qua, chỉ có 1 vụ kiện được Hội BVQL NTD khởi kiện theo quy định này (vụ kiện “ngộ độc bánh mì” do Hội BVQL NTD tỉnh Bến Tre cùng nhiều nguyên đơn khác thực hiện vào năm 2015).
Vì vậy, để khuyến khích các hội tham gia mạnh mẽ vào việc BVQL NTD, cũng như tạo cơ chế để tăng cường, hỗ trợ cho công tác bảo vệ NTD, dự thảo sửa đổi quy định “trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về BVQL NTD do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi NTD”.