Bị kiện nhưng mịt mù ngày xét xử
Theo hồ sơ, năm 1998, bà Trần Thị Bảy (SN 1950, ngụ xã Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có mua của bà Đỗ Thị Loan (ngụ phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, đã qua đời năm 2004) mảnh đất diện tích 525 m2, thửa 228, tờ bản đồ số 2 thuộc xã Bửu Hoà, TP Biên Hoà.
Việc mua bán trên có xác nhận của chính quyền địa phương. Do đất chưa có sổ đỏ, bà Bảy đi đăng ký thủ tục xin cấp, nhưng không được UBND phường Bửu Hoà chấp nhận với lý do “có tranh chấp giữa các thừa kế sau khi bà Loan chết”.
Không đồng ý, bà Bảy khởi kiện UBND phường Bửu Hoà. Tháng 1/2013, TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án ra xét xử, tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bảy. Tòa án tỉnh tuyên bố hành vi không xác nhận hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất của UBND phường Bửu Hòa là trái pháp luật, buộc UBND phường Bửu Hòa chấm dứt hành vi trái pháp luật nêu trên .
Tòa cũng yêu cầu UBND phường Bửu Hòa phải thực hiện việc xác nhận hồ sơ xin cấp sổ đỏ của bà Bảy, nếu các đồng thừa kế của bà Loan không thực hiện việc khởi kiện theo quy định pháp luật. Bắt đầu từ đây, bà Bảy lại trải qua hành trình gian truân, bực bội khác. Đó là sáu năm bị kiện nhưng không bị xử.
Sau khi có bản án của TAND tỉnh Đồng Nai, bà Bảy làm thủ tục cấp sổ đỏ thì bị ngăn trở. Sự ngăn trở xuất phát từ anh Đinh Xuân Bắc (SN 1994, con trai bà Loan). Anh Bắc khởi kiện bà Bảy, yêu cầu TAND TP Biên Hoà tuyên buộc huỷ hợp đồng mua bán đất năm 1998 giữa mẹ mình với bà Bảy. Ngày 29/8/2013, vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất” được TAND TP Biên Hoà thụ lý. Thẩm phán Trần Thị Kim Dung được phân công giải quyết.
Vậy mà từ ngày thụ lý vụ án đến nay, bà Bảy nhẩm tính đã 68 tháng (gần 6 năm) nhưng không thấy ngày được đưa ra xét xử. Bà Bảy nói: “Có ai như tôi, bị kiện nhưng mong được xử từng ngày. Tôi mua đất hợp pháp, hết bị chính quyền phường làm khó, không làm thủ tục cấp sổ đỏ, đến lượt bên bán đất làm khổ. Rồi nay tới phiên Tòa án Biên Hòa gây khó khăn”.
Dấu hiệu vi phạm thời hạn xét xử
Bà Bảy cho biết đã nhiều lần làm đơn yêu cầu Tòa án Biên Hoà trả lời tại sao không đựa vụ án ra xét xử nhưng chỉ nhận được trả lời chung chung, không thấy nêu trách nhiệm của thẩm phán Dung khi chậm trễ đưa vụ án ra xét xử, không đưa ra lý do vụ án kéo dài.
Mới nhất, Chánh án TAND TP Biên Hoà, ông Trần Phương Đông có văn bản ngày 18/6/2018 trả lời cháu trai bà Bảy (được bà Bảy ủy quyền). Theo vản bản này, bất ngờ có thêm tình tiết cùng với mảnh đất này, ngoài việc bị anh Bắc kiện, bà Bảy còn bị những người hàng xóm khác kiện.
“Ngày 18/9/2015, ông Đinh Văn Tuyến và bà Đinh Thị Trại có đơn khởi kiện yêu cầu độc lập yêu cầu TAND TP Biên Hoà công nhận phần diện tích đất 525m2 là thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Tuyến, bà Trại. Yêu cầu tuyên huỷ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Loan và bà Bảy, buộc bà Bảy phải trả lại đất cho gia đình bà Trại và Văn Tuyến.
Tuy nhiên, không trả lời bà Bảy việc vì sao nhiều năm vẫn chưa đưa ra xét xử, Tòa án Biên Hòa lại nói rất rối rắm khó hiểu: “Về quyền khởi kiện tại Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác”.
Do vậy, người khởi kiện có quyền khởi kiện và không thuộc các trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 192 BLTTDS. Việc khởi kiện của người khởi kiện có được Toà án chấp nhận hay không chấp nhận sẽ được giải quyết bằng một bản án được quy định tại Điều 266 BLTTDS”.
Trước văn bản trả lời với nội dung như trên, gia đình bà Bảy “đứng hình”, vò đầu bứt tóc vẫn không hiểu tòa án muốn nói gì.
Phần kết văn bản này dễ hiểu hơn, cho biết sẽ quan tâm, có trách nhiệm chỉ đạo thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần nhanh chóng chủ động hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định; và có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục trong thời gian ngắn nhất nhũng lý do dẫn tới vụ án bị kéo dài để kịp thời đưa vụ án ra xét xử. Thế nhưng những lời hứa hẹn này đến nay sau gần một năm dường như chưa được thực hiện, ngày đưa vụ án ra xét xử vẫn “biệt vô âm tín”.
Thẩm phán chậm đưa vụ án ra xét xử bị xử lý sao?
Theo LS Đặng Đức Trí: “Theo hồ sơ vụ việc và trả lời của Chánh án TAND TP Biên Hoà thì vụ án đến nay vẫn không hề bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ. Do đó hành vi của thẩm phán Dung đã vi phạm nghiêm trọng thời hiệu đưa vụ án ra xét xử.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, thời gian đưa vụ án ra xét xử là từ 2 – 4 tháng hoặc 6 tháng nếu vụ án phức tạp. Việc kéo dài, “ngâm tôm” vụ án đến 6 năm là một sự coi thường pháp luật, vi phạm quy định của ngành toà án, xâm phạm quyền lợi của các đương sự”.
Về hình thức xử lý, LS Trí nói: “Thẩm phán Dung có dấu hiệu vi phạm vào Khoản 3, Điều 10, Quyết định 120/QĐ –TANDTC năm 2017 của TAND Tối cao về ban hành Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND”.
Theo đó, Khoản 3 Điều 10 quy định: “Để từ trên 3 vụ, việc quá thời hạn dưới 6 tháng; hoặc 1 vụ, việc trở lên quá thời hạn từ 6 tháng trở lên kể từ ngày hết thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu theo quy định của pháp luật nhưng không có lý do chính đáng”.
Hình thức xử là kỷ luật tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao. “Nghĩa là nếu bị kỷ luật, thẩm phán Dung không được giao thụ lý, xét xử bất cứ vụ án nào cho đến khi nào giải quyết dứt điểm vụ án của bà Bảy”, LS Trí nói.
Trả lời PLVN về sự việc, ông Trần Phương Đông, Chánh án TAND TP Biên Hoà cho rằng: “Với trường hợp này chúng tôi sẽ tiếp nhận toàn bộ thông tin và kiểm tra, rà soát lại”. Vụ việc kéo dài sáu năm có vi phạm thời gian đưa vụ án xét xử hay không, vi phạm quy định ngành tòa án hay không? Ông Đông nói: “Thời gian đưa vụ án ra xét xử quy định rõ ràng trong luật. Trường hợp án bị tạm đình chỉ thì tuỳ theo mức độ nhưng không quá 30 ngày phải đưa ra xét xử. Thực tế có những việc không thể giải quyết trong 30 ngày được nên kéo dài”.
“Nếu Thẩm phán vi phạm thời gian đưa vụ án ra xét xử thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Quyết định 120/QĐ –TANDTC của TAND Tối cao”, ông Đông khẳng định. Ông Đông cho biết sau khi kiểm tra lại vụ việc, sẽ có trả lời cụ thể với báo chí.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc.
Bàn về nội dung vụ án, LS Trí nói: “Không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Bắc. Thời điểm năm 1998, đất có sổ đỏ hay không có sổ đỏ, hai bên mua bán có chứng thực của chính quyền địa phương, đã thanh toán đủ tiền và bà Bảy quản lý, sử dụng, xây dựng nhà cửa, công trình trên đất thì theo hướng dẫn của TAND Tối cao, đất thuộc về bà Bảy. Hướng dẫn này rất cụ thể để thẩm phán áp dụng xét xử những vụ tương tự”.
Điều mà LS Trí nói trùng khớp với những gì bà Bảy suy nghĩ. Bà Bảy nói: “Người ta muốn kéo dài vụ án vì người ta biết đưa ra xử là phần thắng thuộc về tôi”.