Như báo PLVN đưa tin, nhận thấy bản án sơ thẩm của TAND TP Lạng Sơn vi phạm về tố tụng, VKSND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy án. Tuy nhiên, thay vì xem xét đề nghị của VKSND tỉnh Lạng Sơn, TAND tỉnh này đã “phớt lờ” kháng nghị hủy án mà tuyên y án theo như bản án sơ thẩm khiến gia đình bị đơn bức xúc.
Theo đó, chị Đào Thị Liên (con gái ruột của bà Nguyễn Thị Thật) đã có đơn kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan báo chí và có đơn xem xét đề nghị TAND Tối cao xem xét lại bản án của TAND hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm tại tỉnh Lạng Sơn.
Trong đơn kêu cứu của mình, chị Liên cho biết cụ Chung và cụ Lạng sinh được 4 người con là bà Thật, bà Chính, bà Chín và ông Chang.
Năm 1940 cụ Chung mất. Đến năm 1954 cụ Lạng cùng bà Chín, ông Trang vào trong Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp. Trước khi đi cụ Lạng đã gọi bà Thật về giao toàn bộ tài sản cho bà Thật quản lý, sử dụng. Đến năm 1991 thì cụ Lạng mất tại Sài Gòn.
Sau 64 năm quản lý tài sản mà bố mẹ tận tay để lại, bà Thật được UBND TP Lạng Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 626,7m2. Do tuổi già sức yếu, bà Thật đã có giấy ủy quyền giao cho chị Liên quản lý.
Khi em gái ruột vừa mới nhắm mắt xuôi tay, bà Chính và bà Chín quay sang đòi cô cháu gái phải phân chia số đất được cấp sổ đỏ khiến vụ án trở thành vụ án “nồi da xáo thịt” khiến nhiều người cảm thấy bất bình.
Và người dân còn cảm thấy bất bình hơn khi cả hai cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm lại tuyên chị Liên phải chia cho bà bà Chính 184 m2 và bà Chín 197m2 trên tổng số diện tích 626,7m2.
Chị Liên trao đổi và cung cấp hồ sơ liên quan cho PV. |
Chị Liên cho rằng, cả hai cấp tòa tại Lạng Sơn đã nhận định không khách quan các tài liệu, chứng cứ, cố ý áp dụng sai các quy định của pháp luật cũng như áp dụng sai Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTUQH10 ngày 20/8/1998 về Giao dịch dân sự về nhà được xác lập trước ngày 01/07/1991 dẫn đến sai lệch về bản án.
Cụ thể, Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTUQH10 quy định quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 10 nêu rõ: "Nếu chủ sở hữu không có yêu cầu lấy lại nhà trước ngày 1/7/1996 hoặc đã chết và trước khi chết không có yêu cầu lấy lại nhà thì công nhận quyền sở hữu cho bố, mẹ, vợ, chồng, con của người đó đang quản lý, sử dụng nhà ở đó".
Cũng theo chị Liên, gia đình chị nhận thấy HĐXX tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã cố tình làm sai, thu thập, đánh giá chứng cứ của sự việc không đúng, đưa nhận định không phù hợp, thiếu khách quan, lấy văn bản thỏa thuận có dấu hiệu giả mạo về chữ ký để làm bằng chứng tại tòa là có động cơ,có sự sắp xếp gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của gia đình chị.
Được biết, sau khi nhận được đơn thư của chị Liên, TAND Tối cao đã có văn bản gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Theo đó, ngày 25/02/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng đã có văn bản số 94/TB-TA xác nhận đã nhận đơn đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm và sẽ tiến hành xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.