Từ đó, một đồn mười, mười đồn trăm…, người dân ấp Trung Tín và các hộ lân cận đã đua nhau vào rẫy, rừng săn tìm cây cơm cháy về làm thuốc và bán với giá từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg mà vẫn chưa rõ thực, hư giá trị dược liệu của nó ra sao.
“Thần dược” cơm cháy
Để minh chứng cho giá trị dược liệu của cây cơm cháy, chúng tôi truy cập công dụng về cây cơm cháy trên google thì được biết: “Theo Đông y, cây cơm cháy vị chua, tính ấm; có tác dụng khử phong trừ thấp, hoạt huyết tán ứ. Các thầy thuốc thường dùng cây cơm cháy chữa phong thấp đau nhức, cước khí phù thũng, kiết lỵ, hoàng đản, viêm khí quản mạn, phong chẩn, mụn nhọt lở loét sưng đau, ngã chấn thương… Lá cây cơm cháy còn được dùng để nấu nước tắm cho sản phụ hoặc giã chung với giấm, xào nóng đắp sưng vú. Ngày dùng với liều 10-12g dưới dạng thuốc sắc. Nếu dùng với liều 3g/kg thể trọng có thể đái nhiều, ỉa lỏng và nôn mửa…”.
Thông tin trên mạng chẳng có từ nào khẳng định hay đề cập đến chuyện cây cơm cháy có thể chữa được bệnh ung thư phế quản của ông Bưởu. Tuy nhiên, người dân vùng này vẫn khẳng định với chúng tôi rằng, ông Bưởu và nhiều người khác thật sự thoát khỏi lưỡi hái tử thần chính là nhờ bài thuốc cây cơm cháy. Để câu chuyện về cây cơm cháy bớt mơ hồ, chúng tôi liền hỏi ông Bưởu những điều bà con đồn thổi về ông đúng hay sai.
Ông Bưởu thật lòng thưa chuyện: “Việc tui bị bệnh sắp chết là có thật. Trong lúc sức khỏe tui nguy kịch thì gia đình có đưa tui đi chữa bệnh nhiều nơi nhưng không khỏi. Qua người quen chỉ bài thuốc cây cơm cháy và tui được vợ cho uống thì sau đó bệnh tình thuyên giảm. Còn việc khẳng định tui khỏi bệnh là nhờ cây cơm cháy thì tui không dám chắc. Tuy nhiên, do ngày nào tui cũng uống nó và thấy sức khỏe chuyển biến tốt nên bà con mới có tin đồn như vậy đó”.
Cây cơm cháy bị người dân đào cả gốc lẫn rễ. |
Dù chưa có cơ sở khoa học khẳng định việc ông Bưởu đột nhiên khỏi bệnh là hoàn toàn nhờ uống cây cơm cháy, tuy nhiên, mọi người nhìn thấy việc ông khỏi bệnh là có thật nên đổ xô nhau đi chặt cây cơm cháy về uống, bán.
“Chỉ trong vòng hơn tháng, bà con đã khai thác cây cơm cháy đến gần cạn kiệt. Hết cây người ta chuyển sang đào gốc. Một số người vì hám lợi còn chặt cả những cây cùng họ với nó. Rồi họ đem về cắt nhỏ, pha trộn với cây cơm cháy thật đem bán cho người tìm mua về làm thuốc nên rất nguy hiểm cho sức khỏe”, anh Phan Văn Tình và anh Phan Văn Lý là cháu và con trai ông Bưởi cho biết, cả hai nhận lời dẫn chúng tôi đi thực tế để chứng kiến cảnh người dân phá môi trường sống của cây cơm cháy.
Sau một giờ đi xe máy về hướng thôn 5A, xã Đông Hà, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, anh Tình và anh Lý cùng chúng tôi gửi xe máy tại nhà một người quen rồi tìm đường vào khu đầm hoang tìm cây cơm cháy. Anh Lý cho hay, huyện Xuân Lộc tuy có rất nhiều đầm hoang, bờ suối nhưng nơi đây không có cây cơm cháy sinh trưởng.
Để hái cơm cháy về làm thuốc cho ông Bưởu, anh phải vào các khu đầm, bờ suối xã Gia Huynh, Suối Kiết huyện Tánh Linh để tìm. “Mới đầu bà con chỉ lựa cây to để chặt. Sau đó thì cây to, cây nhỏ gì cũng tàn xác hết. Hết cây, một số người hám lợi quay sang đào cả gốc về. Hiện nay, tụi em chỉ còn cách vào các khu có cây cơm cháy để mót lại những cây nhỏ, cành lá còn tươi mà người dân khai thác kiểu chụp giật bỏ lại mà thôi” - anh Lý bày tỏ.
Đúng như lời anh Lý nói, khu đầm hoang có nhiều cây cơm cháy tại thôn 5A, xã Đông Hà vốn trước kia um tùm gai bụi, xanh rì, không ai bén mảng vào. Vậy mà, chỉ hơn tháng người dân đổ xô nhau vào khai thác cây cơm cháy làm cho nó tan hoang. Gai bụi được người ta chặt ngã rạp xuống đất để mở lối đi, nơi nghỉ ngơi, tập kết thuốc.
“Trong quá trình tranh nhau khai thác cây cơm cháy, nhiều người còn đánh nhau đến bể đầu. Nhiều người còn huy động xe máy cày, xe ba gác máy vào tận bìa suối để chở cây. Thấy người ta khai thác cơm cháy dữ quá, các chủ rẫy nóng ruột cầm rựa ngăn chặn hoặc buộc người chặt phải nộp tiền vào rẫy. Chủ rẫy thu tiền người hái thuốc vài chục ngàn đồng cho mỗi lượt ra vào” - anh Tình bức xúc cho biết.
Cũng theo anh Tình, cây cơm cháy vốn là dược liệu trong nhiều bài thuốc chữa bệnh của đồng bào dân tộc và được đồng bào giữ gìn rất kỹ, không cho người Kinh biết nên nó mọc rất nhiều tại các đầm hoang, bàu, ven suối. “Người Kinh mình vì ham tiền dẫn đến khai thác vô tội vạ. Nay thì gốc cũng đào lấy thì sau này lấy cây cơm cháy ở đâu ra mà làm thuốc. Bởi vậy, nay anh em tôi chỉ còn cách vào mót lại những cây nhỏ, lượm lá, hoa, quả khô người ta bỏ đi đem về giúp người khác làm thuốc mà thôi” - anh Lý tâm sự.
Không tìm được số thuốc như mong muốn tại khu đầm lầy thôn 5A, xã Đông Hà, anh Lý và anh Tình tiếp tục dẫn chúng tôi về khu Bàu Chồn, Bà Tá (xã Suối Kiết) tìm. Tại những nơi hai anh đưa chúng tôi đến, cây cơm cháy đã bị người dân khai thác chỉ còn gốc và vài cây nhỏ còn sót lại trong các bụi gai um tùm dây leo và tổ kiến, tổ ong. “Rồi chẳng bao lâu nữa gốc cũng bị người ta bứng về bán hoặc liều lĩnh vào rừng cấm để trộm thuốc” - anh Lý vừa gom lá cơm cháy khô vừa nói.