Các hoạt động sửa chữa bao gồm tẩy vệt cao su, sơn bảo trì tín hiệu, đo ma sát, seo cỏ, kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị phục vụ bay. Dự kiến, đường băng này sẽ đóng cửa từ 0h đến 7h hàng ngày trong khoảng thời gian từ ngày 27/2 đến ngày 9/3.
Thời gian qua, đường cất hạ cánh 25R/07L thường xuyên xuất hiện tình trạng rạn, nứt bong bật bê tông nhựa. Đầu đường cất hạ cánh bị lún bề mặt bê tông nhựa với diện tích lớn, đọng nước gây nguy cơ uy hiếp an toàn bay.
Vấn đề hư hỏng đường băng thường xuyên tái diễn tại sân bay Tân Sơn Nhất do đường băng đã xuống cấp đến mức phải đại tu, trong khi ACV chỉ có thể thực hiện các sửa chữa nhỏ. Sau một thời gian trám vá, bảo trì, hư hỏng lại tái xuất hiện.
Việc gián đoạn đường băng để sửa chữa cũng không dễ dàng do Tân Sơn Nhất là sân bay nhộn nhịp nhất cả nước, thường xuyên trong tình trạng quá tải.
Cao điểm Tết Nguyên đán 2020, sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên đón trên 900 chuyến bay mỗi ngày. Vài ngày gần đây, tần suất chuyến giảm xuống dưới 700 chuyến/ngày do đã kết thúc đợt cao điểm và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thời điểm này được cho là thích hợp nhất để tạm đóng cửa đường băng và tiến hành duy tu.
Đầu năm nay, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) kiến nghị Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, giao Bộ GTVT là cấp quyết định đầu tư 2 dự án. Cho phép sử dụng nguồn chênh lệch thu - chi từ khai thác tài sản khu bay do ACV đang tạm quản lý, khai thác hàng năm (từ 2019) để đầu tư.
ACV kiến nghị Chính phủ cấp phép cho Công ty này được tạm ứng nguồn tiền tích lũy từ hoạt động sản xuất kinh doanh (có tính yếu tố sử dụng vốn theo lãi suất ngân hàng) để bổ sung phần còn thiếu sau khi đã sử dụng nguồn chênh lệch thu - chi.
Dự kiến, suất đầu tư nâng cấp khu bay sân bay Tân Sơn Nhất là 1.876 tỷ đồng, khu bay Nội Bài là 2.276 tỷ đồng, trong đó cải tạo, xây mới đường lăn song song, đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh.