Các quốc gia trên thế giới đứng ngoài cuộc chiến pháp lý hiện tại ở Mỹ giữa ông Trump và ông Biden, nhưng đang dần theo nhau chúc mừng, thể hiện sự công nhận ông Biden đã đắc cử.
Sau khi ông Biden lên cầm quyền thì nước Mỹ có tình huống “tân quan tân chính sách” thật sự. Giữa ông Trump và ông Biden có sự khác biệt nhau rất cơ bản và rõ ràng về cả tính cách cá nhân, nhận thức về quyền lực cũng như về định hướng quan điểm chính sách cầm quyền. Ông Biden đã từng có 2 nhiệm kỳ Phó Tổng thống Mỹ dưới thời ông Barack Obama.
Ông Trump luôn phê phán quan điểm chính sách của ông Obama. Bây giờ, khi lên cầm quyền, ông Biden chắc chắn sẽ kế thừa và tiếp nỗi ông Obama chứ sẽ không kế thừa và tiếp nối ông Trump. Ở những lĩnh vực chính sách nào mà ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống của mình đã tạo ra những sự đã rồi khiến ông Biden không còn có thể lật ngược được nữa thì cũng vẫn sẽ được ông Biden điều chỉnh về mức độ và quy mô cũng như cách thức thực hiện.
Sẽ không có gì là khó hiểu khi ông Biden phải dành ưu tiên chính sách cầm quyền hàng đầu cho đối nội. Gần một nửa số cử tri ở Mỹ tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm nay đã bỏ phiếu cho ông Trump và phe Đảng Cộng hòa nên việc khắc phục sự phân hóa sâu sắc này trên chính trường và trong nội bộ xã hội là thách thức lớn nhất đối với ông Biden trong nhiệm kỳ cầm quyền sắp tới.
Chỉ khi khắc phục được sự phân rẽ này thì ông Biden mới có thể thành công với việc ngăn cản phe Đảng Cộng hoà trở lại cầm quyền ở lần bầu cử tiếp theo. Và cũng chỉ như vậy thì ông Biden mới có thể tận dụng được nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên để gây dựng cơ hội tái đắc cử trong lần bầu cử tổng thống tới ở Mỹ 4 năm tới.
Trong chuyện đối phó dịch bệnh Covid-19, ông Trump đã không coi trọng và không thành công thì bây giờ ông Biden phải khác, phải thành công. Ông Trump lật ngược cuộc cải cách bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khoẻ của ông Obama thì ông Biden sẽ tiếp tục thực hiện nó. Hàng loạt quyết sách đối nội của ông Trump sẽ bị ông Biden xóa sổ.
Về đối ngoại, chuyện “tân quan, tân chính sách” này càng dễ xảy ra và dễ thấy. Ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris về bảo vệ khí hậu trái đất thì ông Biden tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ trở lại văn kiện này ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên.
Ông Trump đơn phương chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) thì ông Biden tuyên bố sẽ tìm cách khôi phục kênh đàm phán trực tiếp với Iran về vấn đề này. Ông Biden trấn an các đồng minh chiến lược của Mỹ là chính quyền của mình sẽ tiếp tục thực thi những cam kết của Mỹ đối với đồng minh, tức là cũng lại chủ ý khác hẳn ông Trump. Ông Biden ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong khi ông Trump thực thi chủ nghĩa đơn phương.
Cả đối với Nga và Trung Quốc, chính sách và hành động tới đây của ông Biden cũng sẽ khác, sẽ tiếp tục cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc như ông Trump đã thực hiện, nhưng chắc với cách thức nhất quán chứ không hay thay đổi như ông Trump. Đối với Nga, ông Biden nhiều khả năng sẽ cứng rắn và không nể vì như ông Trump. Chính quyền mới ở Mỹ sẽ không thay đổi đáng kể gì ở định hướng chiến lược chung cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương như ở thời của cả ông Obama và ông Trump.