Với trọng trách mới ông sẽ lưu ý như thế nào đến vấn đề Biển Đông?
- Chủ quyền luôn là vấn đề thiêng liêng của đất nước. Bảo vệ chủ quyền là một trong những mục tiêu của hoạt động đối ngoại của chúng ta. Hoạt động đối ngoại đóng góp vào bảo vệ chủ quyền, đó là duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên thế giới để đảm bảo chủ quyền của chúng ta. Trên Biển Đông thì chúng ta có chủ quyền, và quyền chủ quyền của chúng ta trên thềm lục địa theo Công ước Luật biển của Liên Hợp quốc. Việc ngoại giao là đóng góp làm sao duy trì được môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, ở Biển Đông, duy trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông.
Năm nay Việt Nam đã có dấu ấn rõ rệt khi có 14 nước thiết lập quan hệ đối tác. Thế thì trong những năm tiếp theo chúng ta có kế hoạch nâng cấp quan hệ với các nước bạn bè lên chiến lược nữa hay không? Đặc biệt với các nước trong khu vực ASEAN, thưa ông?
- Từ năm 2001 cho đến nay, chúng ta đã triển khai đưa quan hệ của chúng ta với các nước, đặc biệt là các nước quan trọng, có vị thế trên thế giới đi vào xây dựng khuôn khổ là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Và cho đến năm 2013, chúng ta đã xây dựng 14 đối tác chiến lược. Có thể nói là tất cả các nước lớn trên thế giới chúng ta đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ là đối tác chiến lược, hoặc đối tác toàn diện. Điều đó thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam, chính sách của chúng ta là làm bạn với tất cả các nước đang được triển khai một cách có hiệu quả.
Và trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục xây dựng các khuôn khổ quan hệ của chúng ta với những nước quan trọng, những nước có vị thế trên thế giới, cũng như các nước láng giềng. Có thể nói cho đến nay, Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có xây dựng đối tác chiến lược với một số nước thành viên trong cộng đồng ASEAN. Xu hướng là sẽ tiếp tục định hình khuôn khổ quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Còn đối với các nước trên thế giới thì hiện nay chúng ta cũng đang tiếp tục xây dựng các mối quan hệ đối tác toàn diện với các nước, không chỉ là những nước lớn, mà các nước có vai trò quan trọng ở những khu vực khác. Ví dụ như các nước ở châu Mỹ, châu Phi và các khu vực khác.
Với cương vị mới ông có đề ra kế hoạch gì để đối ngoại Việt Nam phát triển hơn nữa góp phần vào sự phát triển của đất nước?
- Công việc trong thời gian tới rất nhiều, đòi hỏi yêu cầu cao để đưa quan hệ của chúng ta đã xác định khuôn khổ quan hệ với các nước thực sự có hiệu quả, đóng góp thực sự cho vị thế, vai trò đất nước chúng ta đang lên trên trường quốc tế, cũng như đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước chúng ta.
Trân trọng cảm ơn và chúc mừng ông với cương vị và trọng trách mới!
Chính phủ có 2 tân Phó Thủ tướng
Sáng qua (13/11), Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam (với tỷ lệ 84,54% ĐBQH), ông Phạm Bình Minh (với tỷ lệ 85,75% ĐBQH) và thông qua Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.
Chúc mừng 2 tân Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh (kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng rất cao của Quốc hội thể hiện qua việc Quốc hội đã quyết định phê chuẩn về vấn đề nhân sự Phó Thủ tướng Chính phủ của Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ với số phiếu cao đối với hai ông.
Quốc hội cũng thảo luận tại Đoàn Đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Nguyễn Văn Nên. Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, ông Nguyễn Văn Nên (sinh năm 1957) là Cử nhân Luật, được rèn luyện qua thực tiễn công tác ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, hiện là Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, “luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công và đủ năng lực để đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ”.