Không hiểu có phải vì đã nhiều năm làm báo nên tính tôn trọng sự thật đã thấm vào máu hay không mà tôi rất bất bình mỗi khi gặp những bài viết trên sách báo còn sai sự thật.
Một lần đến Thư viện Trung ương quân đội, tôi đọc quyển “Ký sự lịch sử của đại đoàn X” về trận đánh ở Lạc Song trên sông Đà, ngày 22-12-1951, trong chiến dịch Hòa Bình. Trận đó chính đơn vị tôi, Đại đội pháo 756 với 3 khẩu sơn pháo 75 do Nhật sản xuất đã bắn chìm một đoàn tàu địch gồm một tàu chiến LCT và 4 ca nô đang trên đường xuôi sông Đà, từ thị xã Hòa Bình về Trung Hà.
Chỉ bằng 31 quả đạn đại bác, Đại đội tôi đã tiêu diệt cả đoàn tàu địch. Với chiến công này, đơn vị đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và Hồ Chủ tịch đã ban thưởng một lá Quốc kỳ có thêu dòng chữ “Chiến thắng Lạc Song 22-12-1951 – Khen thưởng đại đội 756 – Trung đoàn 675”.
Lá cờ thưởng của Bác Hồ năm xưa hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Quân đội và Bảo tàng Binh chủng Pháo binh. Quyết định tặng Huân chương cho đại đội vẫn còn trong sổ vàng của Văn phòng Bộ Quốc phòng.
Vậy mà, qua những dòng, những trang viết về chiến thắng này trong quyển ký sự, các tác giả của Đại đoàn X đã mô tả trận đánh ở Lạc Song năm ấy như là một chiến công oanh liệt của bộ binh, đã dùng súng ĐKZ lần lượt bắn hạ cả đoàn tàu địch, không nói dòng nào đến anh em sơn pháo 75 ly, những người đã làm nên chiến thắng này.
Nhà báo tác nghiệp |
Đây không phải là vấn đề tranh giành công trạng, thành tích mà là việc phải tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật khách quan. Là người trực tiếp đánh trận này, tôi thấy mình phải có trách nhiệm nói lại đôi điều trước công luận cho đúng với sự việc diễn ra như nó có.
Đúng là trận đánh hôm đó, đại đội 756 chúng tôi đã phối thuộc chiến đấu với Trung đoàn C, đại đoàn X… Chúng tôi bố trí phục kích ở tả ngạn sông Đà, sát mép nước. Trung đoàn C bố trí một đại đội bộ binh để bảo vệ pháo 75, còn đại đoàn X bố trí một tiểu đoàn phòng không trang bị súng máy cao xạ 12 ly 8 để đón bắn máy bay địch đến ứng cứu khi trận chiến xảy ra.
Theo lịch sử của ngành quân giới Việt Nam thì mãi đến đầu năm 1954 quân đội ta mới được trang bị loại súng ĐKZ cỡ 57 ly và đến chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3-1954, mới có thêm ĐKZ 75 ly. Còn trước đó, các đơn vị trợ chiến của bộ binh chỉ có đại liên, cối 60 và cối 81. Với tính năng của các hỏa khí này thì đại liên và súng cối không thể bắn chìm được tàu chiến.
Hôm đó, khi tàu địch tới, chỉ có 3 khẩu đại bác 75 ly của đại đội chúng tôi nổ súng nhấn chìm cả 5 tàu giặc xuống lòng sông Đà chứ không hề có hỏa lực ĐKZ nào cả. Để cẩn thận hơn, tôi đã lần tìm đến một số cựu chiến binh của đơn vị 756 đã đánh trận Lạc Song năm đó, kể cả đồng chí chỉ huy trận đánh này là Đại tá về hưu, để thu thập thêm chứng cứ.
Sau đó tôi viết bài “Trận Lạc Song, đôi điều cần nói lại” để khẳng định đơn vị đã bắn chìm cả đoàn tàu quân sự của giặc Pháp ngày 22 tháng 12 năm 1951 chính là Đại đội 756 chứ không phải đơn vị nào khác. Bài viết đã chứng minh đầy đủ các tư liệu nói trên, kể cả việc nêu rõ những phần thưởng cao quý mà đơn vị đã được nhận sau chiến thắng này như lá cờ khen tặng của Hồ Chủ tịch và tấm Huân chương Quân công hạng Ba.
Bài viết của tôi đăng trên một ấn phẩm báo chí của lực lượng vũ trang. Bài báo đã góp phần khẳng định lại một sự thật đã viết chưa chính xác, được nhiều bạn đọc đồng tình, nhất là các cán bộ, chiến sĩ pháo binh nay đã là cựu chiến binh.
Một lần khác, để có thêm tư liệu viết về đơn vị anh hùng, tôi đến gặp Đại tá nhà văn quân đội Hải Hồ để hỏi thêm về truyền thống của Trung đoàn 9, Đại đoàn 304, vì hồi chống Pháp ông là trợ lý tuyên huấn của trung đoàn này.
Cũng tình cờ thôi, tôi được nghe ông nói là chiếc xe cơ giới mà Cù Chính Lan chạy đón đầu nhảy bám lên từ phía sau, dùng lựu đạn thả vào thùng xe cho nổ để tiêu diệt địch không phải là xe tăng mà chỉ là xe bọc thép Háp-tờ-rắc, có ngoại hình giống như xe tăng loại nhẹ. Tôi hỏi lại Hải Hồ: “Thế, tại sao năm 1965 khi viết kịch bản phim “Người chiến sĩ trẻ” nói về chiến công của Cù Chính Lan trên quốc lộ số 6, ông cũng khẳng định đó là xe tăng?”.
Ông bình thản trả lời: “Thì vậy. Đã trót tuyên truyền là xe tăng rồi, đã in thành sách giáo khoa rồi, chẳng lẽ sửa lại ư?. Hơn nữa, những năm 64, 65, 66, ở chiến trường B lúc đó đang có phong trào thi đua diệt xe lội nước M113 rất sôi nổi. Ta cứ coi chiếc xe Háp-tờ-rắc mà Cù Chính Lan đã diệt được là xe tăng đi. Có sao đâu, như vậy càng có lợi trong việc cổ vũ, động viên khí thế chiến đấu của quân giải phóng miền Nam ở chiến trường thi đua diệt xe cơ giới địch…”.
Biết vậy, tôi tìm gặp đại tá Lê Đăng Dần có thời gian là Phó chính ủy Đại đoàn 304 để hỏi thêm về vấn đề này. Ông Dần cũng có ý kiến như ông Hải Hồ và còn nói thêm: “Đích thân tôi đã trèo lên xác chiếc xe mà Cù Chính Lan đánh gục lúc còn nằm đổ nghiêng ven đường số 6, đoạn gần thị xã Hòa Bình. Đúng, nó chỉ là xe bọc thép Háp-tờ-rắc, có trang bị pháo 40 ly, cũng chạy bằng bánh xích nên anh em ta cứ tưởng đó là xe tăng”.
Tôi lại đến Thư viện Quân đội tìm đọc cuốn “Ký sự đại đoàn Vinh Quang” qua đó, được biết: Tiểu đoàn bộ binh 353 của trung đoàn 9 đánh trận này là của ông Đỗ Đức. Sau này ông là Trung tướng – Phó tổng tham mưu trưởng quân đội ta. Tôi tìm được số điện thoại nhà riêng của ông đê hỏi thêm về chiếc xe đó. Cù Chính Lan là Tiểu đội trưởng trong đội hình chiến đấu của tiểu đoàn 353 do ông chỉ huy.
Ông Đỗ Đức cũng xác minh: Chiếc xe chiến đấu bọc thép bánh xích bị Cù Chính Lan diệt trận đó chỉ là chiếc xe bọc thép Háp-tờ-rắc, có trang bị trọng liên 12 ly 7 và pháo 40 ly chứ không phải xe tăng. Thế là rõ. Đã có ba người trong cuộc, trong đơn vị cũ xác minh lại vấn đề này.
Tôi viết ngay bài “Về chiến công của Cù Chính Lan trên đường số 6” để một lần nữa ca ngợi chiến tích của người anh hùng và phần cuối bài viết cũng dành một đoạn nói rõ chiếc xe mà Cù Chính Lan dùng lựu đạn đánh gục, không phải là xe tăng như trước đây báo, đài, phim ảnh, sách giáo khoa vẫn viết và nói mà là xe Háp-tờ-rắc, loại xe quân sự của quân đội Pháp dùng ở chiến trường Đông Dương từ những năm 50.
Bài viết này được Tạp chí Lịch sử quân sự của Bộ Quốc phòng đăng trên số 6, tháng 12 – 1999, sau đó được sự đồng tình của nhiều bạn đọc gần, xa. Trong buổi họp mặt cộng tác viên của Tạp chí Lịch sử quân sự đầu năm 2000, ông Trần Tiệu đã báo cáo lại việc này và qua đó bỗng nhiên tôi được nhiều đồng chí hoan nghênh vì đã dám sửa lại những điều chưa đúng mặc dù từ nhiều năm qua đã đi vào lịch sử, vào phim ảnh và sách giáo khoa.
Qua hai việc nhỏ kể trên, tôi thấy việc sửa lại cho đúng những bài đã in sai hoặc chưa đủ trên sách báo vừa là lương tâm, vừa là trách nhiệm của người cầm bút. Mà muốn làm được việc này, người viết cũng phải chân thành, chịu khó, tỉ mỉ và công phu.
Thế Trường