Tản mạn về “nghề cao quý”

Tản mạn về “nghề cao quý”
0:00 / 0:00
0:00
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “… Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Giáo dục chính là nền tảng của sự phát triển bền vững, quyết định tương lai của dân tộc, của đất nước. Không ai khác, đội ngũ nhà giáo là những người đang nắm giữ sứ mệnh ấy.

1. Trong quan niệm “Tam cang giả” (quân - sư - phụ), người thầy đứng ở vị trí thứ hai, chỉ sau vua và trên cả cha. Thầy không có uy quyền của vua, không phải huyết thống như cha nhưng được đặt lên hàng “Tam cương”. Các đối tượng trong mối quan hệ rường cột ấy phải có một ranh giới rõ ràng, vua phải ra vua, thầy phải ra thầy, cha phải ra cha; giữa thầy và trò phải có một khoảng cách tuyệt đối.

Với đạo lý ngàn đời của một dân tộc chịu ảnh hưởng đậm nét triết lý Nho giáo, quan niệm này vẫn còn vẹn nguyên giá trị khi du nhập vào nước ta, tuy đã có những chuyển biến cho phù hợp với truyền thống đạo đức và tâm lý của người Việt. Xưa nay, những lời răn dạy về đạo lý này vẫn được truyền tụng rộng rãi “Trọng thầy mới được làm thầy”; “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”; “Không thầy đố mày làm nên”…

Thầy không có công sinh thành như mẹ cha nhưng có trách nhiệm dạy dỗ, bảo ban, răn đe, trách phạt những mong trò thành người. Học trò xưa còn được cha mẹ gửi gắm học ở nhà thầy, được thầy gần gũi, chăm sóc, được sống với thầy nhiều hơn ở nhà, mọi chuyện đều phó thác thầy săn sóc, giúp đỡ, cái gì không biết cứ hỏi thầy, nhờ thầy.

Người thầy, trong xã hội xưa hiện diện bằng một biểu tượng uy nghiêm, vừa đạo mạo, chỉn chu, vừa lấp lánh hào quang của trí tuệ và sự mực thước, là tấm gương cho học sinh noi theo và tôn kính, trọng vọng. Qua bao mưa nắng thời gian, thầy luôn miệt mài và cần mẫn đưa lớp lớp học trò lần lượt cập bến tương lai cùng bao ước vọng thầy gửi gắm khi chúng vào đời. Niềm hạnh phúc của người thầy cũng thật giản dị, ấy là được nhìn thấy học trò mình thành công, giỏi giang, trở thành người có ích cho xã hội. Thầy giữ cho riêng mình những ưu tư thầm lặng khi có đứa học trò chưa ngoan, trăn trở với từng bài giảng, mủi lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh éo le của những đứa học trò mất mát, thiệt thòi. Một chữ thầy thôi sao mà thiêng liêng, cao cả.

2. Ngày nay, cùng với bao biến chuyển của thời đại, của giá trị; vai trò, vị trí của người thầy trong xã hội đã có những đổi khác nhất định. Tuy nhiên, sự khác biệt ấy chỉ là về mặt hình thái khi khoảng cách giữa thầy và trò ngày một thu hẹp, sự gần gũi, thân mật được ưu tiên. Cùng với đó, thầy dân chủ hơn trong việc lắng nghe, cầu thị trước những góp ý của học sinh và cả phụ huynh trong việc giáo dục.

Trong một xã hội cởi mở với nhiều nền tảng thông tin, sự học của học trò đã được mở rộng và độc lập hơn rất nhiều. Điều này cũng tạo ra những áp lực đáng kể cũng như kỳ vọng nhiều hơn về “chuẩn mực nghề” của người thầy. Nghĩa là thầy vừa dạy, vừa phải không ngừng học hỏi, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhất cho công việc “trồng người” ngày càng khó nhọc với những chuẩn giá trị mới mà xã hội mong muốn.

Hình ảnh thầy đồ đạo mạo ngày xưa đã được thay thế bằng những người thầy trẻ trung, năng động, đầy nhiệt huyết. Từ những người thầy chỉ biết dạy chữ hàn lâm, trang bị đạo đức một cách khuôn phép, chúng ta đã có những người thầy truyền cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy đam mê sáng tạo, thức tỉnh được trắc ẩn sâu kín trong nội tâm của học trò. Họ đã dạy và đã thành công như thế. Nghĩa là thầy đã biết thay đổi chính mình, bằng một “công cụ nghề” được mài dũa trên cơ sở nắm được tâm lý, khuynh hướng, nhu cầu nhận thức của học sinh.

Họ đã chuyển từ việc “dạy những gì thầy biết” sang “dạy những gì học sinh cần” một cách khéo léo và hiệu quả. Bởi thế, nhiều người thầy đã trở thành thần tượng trong mắt học trò, được học trò ngưỡng mộ và rất mực yêu kính, tạo được ảnh hưởng lớn lao trên con đường luyện rèn, trưởng thành của học sinh.

William Arthur Ward đã từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng.” Lời khẳng định này rất phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay.

Có lẽ, cũng vì khoảng cách đã được thu hẹp, sự cởi mở, dân chủ trong ứng xử giữa thầy và trò, thầy và phụ huynh nên ngày nay đâu đó trong học đường vẫn chứng kiến những câu chuyện phi chuẩn mực ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự và quy phạm nghề giáo. Đó là hành vi thất lễ của trò với thầy ngày càng phổ biến, là sự non kém về nghiệp vụ dẫn đến việc hành xử chưa đúng mực của thầy với trò, là phản ứng thiếu kiểm soát và tôn trọng của phụ huynh đối với nhà trường… Điều này có thể đến từ muôn vàn lý do nhưng hệ quả là uy tín người thầy, nghề giáo ít nhiều bị giảm sút.

Một biểu hiện thực tế nhất, vì gánh nặng áo cơm, chúng ta còn bắt gặp không ít thầy cô phải xoay sở thêm nhiều nghề để trang trải cuộc sống. Nhiều thầy cô không ngại bán hàng online, kiêm luôn “chân shipper” nếu cần. Người chọn cách dạy thêm mọi lúc nếu có cơ hội, thậm chí nhiều thầy cô còn gia nhập lĩnh vực… “cò đất”. Thực ra, lao động lương thiện thì không có gì sai trái, nhưng nếu là thầy cô - những người với vị thế, tác phong đã được mặc định trong quan niệm xưa nay, thử hỏi chứng kiến cảnh tượng này, người đời có ái ngại?

Và, cũng thật khó ngờ rằng, đến tận hôm nay, vẫn còn đó bao hoàn cảnh những thầy cô trèo đèo, lội suối, băng rừng mang chữ đến vùng cao, vùng sâu cho học trò. Chứng kiến hình ảnh những cô giáo trẻ một mình vượt cả trăm cây số đường rừng mỗi ngày, chứng kiến những trường lớp tạm bợ, sinh hoạt thiếu thốn của cô trò mà cám cảnh thay cho danh xưng “nghề cao quý”. Đau lòng biết bao khi có cô giáo phải bỏ mạng trong một hành trình gian nan như thế. Vậy mà, việc quan tâm đến đời sống, thu nhập của thầy cô vẫn còn bỏ ngỏ những chính sách, cơ chế đãi ngộ thỏa đáng.

Giá trị, vai trò của người thầy dù ở bất cứ xã hội nào, thời đại nào cũng đã khẳng định thiên chức không thể thay thế. Thế nên, nhìn vào thực tế hiện nay, chúng ta đang “nợ” họ rất nhiều - “những kỹ sư tâm hồn” đã không quản ngại khó khăn, dũng cảm lựa chọn nghề giáo và cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp trồng người cao cả mà không màng đến danh lợi hay sự biết ơn.

Hãy trả cho thầy cô bắt đầu bằng lòng tin yêu và tôn kính; hãy cảm thông, thấu hiểu và cổ vũ họ trong hành trình dạy dỗ, hun đúc nên nhân cách cho con em mình; hãy quyết liệt hơn để loại bỏ những hình ảnh xấu xí, phản sư phạm đã và đang diễn ra trong môi trường giáo dục các cấp. Cuối cùng, hãy nhanh chóng cải thiện chế độ, chính sách cho lực lượng đặc biệt quan trọng này vì họ xứng đáng có được một cuộc sống tốt hơn với sự tôn trọng cao nhất của xã hội.

Suy cho cùng, giáo dục chính là nền tảng của sự phát triển bền vững, quyết định tương lai của dân tộc, của đất nước. Không ai khác, đội ngũ nhà giáo là những người đang nắm giữ sứ mệnh ấy.

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa

Câu hỏi bỏ ngỏ trước ngưỡng cửa đại học

(PLVN) - Theo số liệu thống kê sơ bộ năm 2024 đối với 137 trường đại học và học viện tại các tỉnh phía Bắc tính từ Thanh Hóa trở ra (không bao gồm các trường quốc tế) có 35 trường đại học đang đào tạo đa ngành, tương đương với 25,5% trong tổng số. Trong đó gồm 15 trường có trụ sở tại Hà Nội (chiếm 43%) và 20 trường phân bố tại 16 tỉnh, thành phố khác (tỉnh Bắc Ninh có nhiều nhất với 3 trường).

Đọc thêm

Làm gì để 'gỡ' áp lực các kỳ thi đầu cấp?

Các kỳ thi vào lớp 1, lớp 6 đang ngày càng trở nên áp lực với học sinh. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Ôn thi từ khi bập bẹ biết nói là câu chuyện phổ biến ở các trường tiểu học, THCS. Thay vì được học đúng độ tuổi, khả năng, hiện nay, nhiều gia đình đã hướng con cái đến các tiêu chuẩn học tập “ngoại cỡ”.

'Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh' trong thế giới đa cực

Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp tại Hà Nội. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Theo báo cáo nghiên cứu vào năm 2019 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (FALMI), khoảng 75% học sinh THPT thiếu hiểu biết cần thiết về các ngành nghề mà mình lựa chọn, theo đuổi sau khi tốt nghiệp. Vấn đề này dẫn đến có khoảng 60% học sinh nhận thấy bản thân mình đã có lựa chọn sai lầm trong định hướng nghề nghiệp.

Sỹ tử lớp 12 quyết tâm đạt kết quả thi tốt nhất

Trước kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh “quay cuồng” tham gia hàng loạt kỳ thi để mong có một suất vào đại học sớm. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2024. Đây là năm cuối cùng thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, dự kiến năm sau có nhiều thay đổi. Điều này khiến các “sĩ tử” quyết tâm đạt được kết quả tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.

Căng thẳng chuẩn bị kỳ thi vào lớp 10

Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. (Ảnh: Anh Nhi)
(PLVN) - Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, nhiều sự thay đổi về phương thức, chỉ tiêu xét tuyển khiến học sinh (HS), phụ huynh lo lắng. Đặc biệt, chỉ còn hơn tháng nữa kỳ thi sẽ diễn ra, nên đây là thời điểm HS cấp tốc ôn tập...

Sau bài viết nam sinh lớp 6 gần như không biết đọc, biết viết tại Quảng Bình: Rà soát chất lượng học sinh toàn huyện Minh Hóa

Trường THCS Hồng Hóa. (Ảnh: Nguyên Phong)
(PLVN) - UBND huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), Phòng GD&ĐT huyện cho biết sẽ rà soát lại kiến thức cơ bản của học sinh ở tất cả các trường học trên địa bàn để phân loại và có phương án nâng cao chất lượng giáo dục. Riêng trường hợp học sinh lớp 6 gần như không biết đọc, biết viết, sẽ đưa về cấp tiểu học để phụ đạo thêm.

'Thổi hồn' vào thư viện trường học

Nhiều trường học ở Việt Nam đã áp dụng các mô hình thư viện mới để thu hút học sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: lamdong.gov.vn)
(PLVN) - Công nghệ thông tin phát triển, những thú vui trên mạng xã hội khiến học sinh không còn mặn mà với những thư viện truyền thống nữa. Hiện nay, nhà trường và ngành Giáo dục đang có những nỗ lực đổi mới sáng tạo các mô hình, hoạt động ở thư viện, nâng cao văn hóa đọc cho học sinh.

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...