Tôi chẳng biết có phải sinh vào giờ Ngọ hay không mà được “phát” về… đường đi. Được đi và đi được, năm nào tôi cũng đi nhiều. Càng đi càng say đi, càng ham đến được những nơi chưa từng đến, khám phá thêm những cảnh sắc khác lạ ở từng địa danh của đất nước mình.
Nhiều người khi nói đến du lịch là nghĩ tới đi ra nước ngoài. Được đến với những vùng đất lạ trên thế giới, tiếp xúc với những nền văn hóa, phong tục tập quán của những tộc người khác, đó cũng là một điều thú vị, bổ ích, và ai có điều kiện được thêm vào cuốn hộ chiếu của mình thị thực của nhiều quốc gia là điều đáng vui mừng. Nhưng đừng nên thạo nước người hơn nước mình, đừng để gặp phải cảnh huống đang ở giữa Tokyo, Paris, NewYork gặp một người nước ngoài kể chuyện vừa đi Việt Nam về lên thác Bản Giốc, ra Côn Đảo mà mình ấp úng không biết, không tường.
Năm 2010, đầu tháng Ba, nhà báo Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng điện bảo “anh có rảnh bay vào đây, hai anh em ta làm một cuộc đường dài miền Trung và Tây Nguyên”. Tôi bay vào sáng sớm, Nhất đưa chiếc Camry ra sân bay đón, hai anh em cà phê cà pháo xong là bắt đầu xoay vô lăng lên đường. Mỗi thằng lái một ngày, mỗi ngày đi một tỉnh, tỉnh nào thấy thú vị thì ở lại vài ngày.
Quảng Ngãi đang khô hạn, dòng sông Trà cạn khô, chúng tôi lội trong cát giữa dòng mà thương cây lúa khô khát. Sáng sớm rời đi, hai anh em ngồi cùng nhà thơ Thanh Thảo ở một quán cà phê vườn tre, nét riêng của thị xã tỉnh này.
Phú Yên với cái gió Tuy Hòa nổi tiếng đã vào thơ từ lâu, nay thêm nổi tiếng với đặc sản cá ngừ đại dương. Bạn bè văn nghệ, báo chí đãi hai anh em món “đèn pha” là hai con mắt của cá ngừ để trong quả dừa khoét rỗng, ôi món ấy quý lắm mời nhau, ăn một lần không thể quên được.
Bình Thuận ra Mũi Né, đến bãi cát vàng, cát trắng, ai chưa đến đó một lần hãy đến, một phong cảnh Việt Nam đặc sắc. Mũi Né vừa mở thêm một con đường mới, dải phân cách trồng hoa giấy nở tươi trong nắng, nhưng điều lo ở đây là nếu cứ phát triển bừa bãi thì cảnh sắc thiên nhiên này có nguy cơ bị tổn hại nặng nề, mất đi vẻ đẹp trời cho.
Tới Bình Thuận ghé thăm nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, lần đầu gặp nhau mà như thân tình đã lâu, kéo ông đi làm vài chai bia phải thuyết phục bà vợ mãi, ông nói bà ấy chỉ cho tôi uống một ly thôi, nhưng ngồi bên nhau tôi cứ rót thêm cho ông vào cái ly ghé dưới mặt bàn, bà vợ cười “ôi sao các anh làm chi khổ vậy, ông ấy thích uống thì cứ uống thôi”, tiếng cười vang bay trong gió biển ào ạt Phan Thiết.
Ninh Thuận ở lại hai ngày, thăm làng gốm Bầu Trúc của đồng bào Chăm, thăm nơi sẽ làm nhà máy điện hạt nhân, thăm đồng muối Cà Ná. Nghỉ lại Sài Gòn mấy ngày cho tôi dự một hội nghị quốc tế về văn học Nhật Bản và khu vực xong, chiếc Camry lại ngược lên Tây Nguyên, qua Đắc Nông xem nơi sẽ là nhà máy bô xít Nhân Cơ, tới Gia Lai vào Buôn Đôn qua cầu treo trên dòng Serepok, sang Kon Tum thăm nhà thờ gỗ. Ôi nước ta có nhà thờ đá ở Phát Diệm, lại có nhà thờ gỗ ở Kon Tum, nghe nói còn có nhà thờ gạch ở Nam Định, cũng như bên Phật giáo thì có chùa đất sét ở Sóc Trăng, may mắn tôi đã được đến những nơi đó.
Rời Kon Tum về lại Đà Nẵng bánh xe lăn qua một địa danh lịch sử trong chiến tranh: chiến dịch Đắc Tô – Tân Cảnh, với lần đầu tiên xe tăng ta xuất trận. Đứng trước khu kỷ niệm chiến tích này, sực nhớ lại đây là chiến trường của nhà văn Bảo Ninh, tôi rút điện thoại gọi cho anh ở Hà Nội, nghe dâng đầy bao hồi ức kỷ niệm của một thời trận mạc. Đà Nẵng đón hai chúng tôi và con “tuấn mã” bốn bánh về lại sau nửa tháng đường trường thiên lý với cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế lung linh rực rỡ sông Hàn. Kết thúc một chuyến đi rất là thích thú, kể lại ai cũng thèm thuồng, còn Nhất sau đó đưa xe vào xưởng đại tu và phát hiện ra là lốp xe đã cũ nhiều, vậy mà hai thằng tôi cứ phóng trên đường với tốc độ 80 – 100km/h, số thật là còn may.
Tháng Năm được đi quần đảo Trường Sa. Nói là “được” vì có khi ra nước ngoài còn dễ hơn ra với vùng hải đảo thân yêu của Tổ quốc. Tôi may mắn được đi trong đoàn đại biểu của TP Hà Nội ra thăm đảo, và thú thực là cho đến giờ đây, khi đang viết những dòng nhớ lại này vào lúc cuối năm, trong tôi vẫn còn nguyên cảm giác bồng bềnh, phập phồng. Cảm giác đó không chỉ là vì sóng biển. Mười ngày trên con tàu hải quân HQ 936 tính ra độ dài đường đi là khoảng hai nghìn ki lô mét, đến với những hòn đảo nhỏ nhoi khuất lấp giữa trùng khơi, đến với những giàn DK chông chênh giữa biển cả, nỗi bồng bềnh của tôi là những đợt sóng tình cảm đối với những người lính, tất cả đều còn rất trẻ, đang trấn giữ vùng biên cương trên biển của đất nước.
Mười ngày mở mắt ra là thấy biển nước bao la vây quanh, sáng ngắm bình minh, chiều nhìn hoàng hôn, khách thăm còn thấy nôn nao nhớ đất liền, nhớ gia đình huống chi những người lính nửa năm, một năm sống trên đảo, chỉ có toàn con trai, đàn ông với nhau, thèm một giọng nói con gái, một tiếng cười trẻ con. Đất liền đã và đang làm hết sức mình cho các chiến sĩ biên cương hải đảo, nhưng nỗi nhớ thì làm sao san sẻ, bù đắp được. Đảo Đá Tây có bãi cát ven đảo nhìn xa như tấm bản đồ chữ S của đất nước. Trên đảo này có tấm bia khắc ghi bài thơ “thần” của Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, ai lên đảo cũng thắp hương ở đó như gửi một lời hứa với tổ tiên. Buổi mặc niệm giữa khơi đảo Cô Lin tưởng nhớ những chiến sĩ hải quân đã hy sinh thân mình cho toàn vẹn lãnh hải và chủ quyền biển đảo Việt Nam, không ai cầm được nước mắt. Các anh mãi mãi nằm lại dưới lòng biển sâu. Sóng như trào lên trong lòng người trên boong tàu.
Tiếng hát ca sĩ Khánh Hòa nấc nghẹn. Con người ta sống cuộc sống ngày thường giữa bao ràng buộc của cơm áo gạo tiền, của chức tước địa vị, của rất nhiều những lo toan trần thế, nhưng hãy có một lần đi ra biển cả, đi lên non cao, nơi có những chàng trai đang đứng gác biên cương, nơi có những hy sinh thầm lặng và máu vẫn đổ, để thanh sạch lại lòng mình, để thấy cuộc đời còn có những điều lớn lao, cao cả và những giá trị nhân bản vĩnh hằng. Tôi trong chuyến đi đã nghĩ về đường chân trời, đó không phải chỉ là giới hạn của mắt nhìn ra biển, không phải là chốn hư ảo chân mây, đường chân trời là có thực, nơi mỗi hòn đảo ta đặt chân lên, nơi mỗi người lính ta gặp. “Tôi nói cùng anh từ quần đảo Trường Sa / Đường chân trời xa ngoài trùng biển cả / Đường chân trời gần trong vùng thương nhớ / Suốt đời ta mang nợ những chân trời”.
Tháng Tám, lại Trương Duy Nhất và tôi cùng một anh bạn nhà báo nữa cưỡi con Ford Escape băng qua bốn tỉnh đông bắc. Cao nguyên đá Đồng Văn tôi trở lại mà vẫn thấy ngỡ ngàng, lạ lẫm. Đá, đá, đá, bốn bề là đá, trên là trời dưới là đá. Mới thấy sức sống con người thật mãnh liệt, kỳ lạ, sống trên đá, sống trong đá, bắt đá trời nuôi mình. Lại lên cổng trời Quản Bạ dừng chân chụp ảnh hai ngọn núi đôi như hai bầu vú trinh nữ, tạo hóa cũng thèm được như người. Và trở lại Lũng Cú.
Cột cờ trên đỉnh núi như dấu chấm trên chữ i trên tấm bản đồ đất nước đang được xây lại to hơn, vững chắc hơn, nghe đâu đường lên là gồm 54 bậc tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam. Bà con dân tộc tham gia xây cột cờ cần mẫn gùi từng túi xi măng, từng can nước lên đỉnh, song song với một đường vận chuyển khác là bằng ròng rọc. Chúng tôi trèo lên đỉnh, mở cờ Tổ quốc có mang theo giương lên cao cho gió tung bay phần phật chụp mấy kiểu ảnh ghi nhớ và khẳng định. Từ cột cờ Lũng Cú phải đi thêm mấy cây số nữa mới tới đường biên.
Một sĩ quan biên phòng trẻ tuổi dẫn chúng tôi đi, đường xóc nảy, đến khi leo núi để tới cột mốc nhìn mái đầu bạc của tôi anh ái ngại, phân công người bí thư chi bộ vùng biên 24 tuổi phải chăm sóc, hỗ trợ tôi, nhưng tôi đâu ngán leo trèo, vẫn cứ chắc chân vững tay thoăn thoắt. Vào nhà bí thư chi bộ chon von trên mỏm đất tận cùng tổ quốc, ngó ra trước mặt là chập chùng núi, với con sông Nho Quế như một sợi chỉ mảnh chảy giữa hai vách núi cao làm thành đường biên phân giới Việt Nam – Trung Quốc.
Mắt nhìn đăm đắm mà trong người rung lên một nỗi niềm gì rất thiêng liêng khó tả. Rượu ngô được chủ nhà mang ra mời các cán bộ. Phanh trần áo hứng gió cho xua đi cái nóng vùng cao, chúng tôi ngồi lặng hồi lâu chỉ nhìn đất đai núi rừng để cảm cho hết như sờ mó được thế nào là giang sơn Tổ quốc. Và rồi tôi đã cất tiếng đọc những dòng thơ về đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, đọc như không thể nào không đọc, “đất nước là máu xương của mình / phải biết gắn bó và san sẻ / phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở / làm nên đất nước muôn đời”.
Một năm đi nhiều đã khép lại, những dấu chân đã lùi lại phía sau. Nhưng con đường vẫn luôn ở phía trước, con đường vẫn luôn mời gọi bàn chân cất bước. Tôi vẫn ham đi, thích đi, vẫn được đi và đi được. Năm con Mèo tôi không thích làm mèo rúc xó bếp. Tôi muốn tiếp tục sải bước đường trường như con ngựa. “Cứ đi, cứ đi, nghe lắm âm thanh mới lạ…”.
Hà Nội cuối năm 2010
Phạm Xuân Nguyên