Kiên quyết loại bỏ phẫu thuật thẩm mỹ
Trải qua các vòng thi, có thể thấy, số lượng thí sinh có chất lượng về nhan sắc, hình thể và lợi thế chiều cao, trình độ đều tăng. Khả năng trình diễn cũng trội hơn so với những năm trước. Điều đáng nói, ban tổ chức (BTC) cố gắng cuộc thi đảm bảo yếu tố nghiêm túc với việc không can thiệp thẩm mỹ.
Sau nhiều năm làm khá quyết liệt, BTC đã xử lý rõ ràng, minh bạch, kiên quyết các “lùm xùm” can thiệp thẩm mỹ. Vì thế, năm nay cuộc thi chưa phát hiện thí sinh có can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ. Các chuyên gia nhân trắc học, bác sĩ nha khoa được mời đến để kiểm tra chi tiết.
Trước vòng chung kết, các thí sinh lại được kiểm tra nhân trắc học một lần nữa, đo lại các chỉ số hình thể để đảm bảo loại trừ các trường hợp sót, lọt đã thẩm mỹ. Khá nhiều thí sinh tiềm năng như: Nguyễn Thị Ngọc Nữ, Công Lê Minh Hương và Lê Mỹ Duyên đã phải bỏ cuộc giữa đường.
Ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 thẳng thắn: “BTC cố gắng hết sức để điều đó không xảy ra nhưng không thể tiên liệu được. Trong quá trình thi, đôi khi BTC phát hiện thí sinh không đủ điều kiện thi tiếp, hoặc thí sinh cảm thấy không đủ sức để đảm đương quá nhiều hoạt động nhất là với hành trình nhân ái đầy vất vả, hoặc đột nhiên gia đình có việc. Dù thế nào, BTC luôn tạo điều kiện để thí sinh rút khỏi cuộc thi ít ồn ào nhất, giữ hình ảnh cho cô gái đó tốt nhất. Chúng tôi coi như đây là phần không thể tránh khỏi của các cuộc thi sắc đẹp”.
Hoa hậu, á hậu Việt Nam đã và sẽ không làm điều gì tồi tệ
Dư luận đang xôn xao về vụ một á hậu trong một cuộc thi bán dâm với giá hàng ngàn đô. Dư luận lo ngại, liệu các tân hoa hậu, á hậu, top 10 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 có bị đi theo “vết xe đổ” của một số hoa hậu, á hậu các cuộc thi khác?
Trả lời lo ngại này, ông Lê Xuân Sơn chia sẻ: “Những người đẹp, hoa hậu hay á hậu bán dâm là nỗi buồn của những cuộc thi sắc đẹp, nhất là đối với người tổ chức. Nhưng với cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam”, chúng tôi có một an ủi, thậm chí tự hào, hãnh diện là các hoa hậu, á hậu Việt Nam về cơ bản giữ được hình ảnh rất tốt, các thí sinh cũng không làm điều gì tồi tệ đến như vậy”.
Bà Phạm Kim Dung, Phó Trưởng BTC cho hay, để “quản” các hoa hậu, á hậu…, BTC đã có những động thái quyết liệt. Các thí sinh có sự quán triệt, quy chế và phải ký đồng ý, thực hiện để giữ gìn hình ảnh trước và sau khi đăng quang. Theo Quy chế tổ chức thi Hoa hậu, thí sinh đạt danh hiệu tại các cuộc thi Hoa hậu, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu đến xã hội sẽ bị BTC cuộc thi ra quyết định tước danh hiệu.
Theo quy định của BTC cuộc thi, sau khi đạt giải thì trong suốt nhiệm kỳ của mình, hoa hậu có trách nhiệm làm theo những gì BTC đưa ra. Hoa hậu và hai á hậu sẽ được giám sát, quản lý trong suốt nhiệm kỳ với những hoạt động của mình. Họ sẽ phải tham gia những hoạt động cộng đồng và giúp đỡ những vùng còn khó khăn. Những điều đó không chỉ giúp cuộc thi và các thí sinh đăng quang ngày càng hoàn thiện hơn, mà thí sinh cũng đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.
Ví như, Đỗ Mỹ Linh sau khi đăng quang Hoa hậu năm 2016, BTC đã tạo điều kiện để cô tiếp tục thực hiện dự án “Cõng điện lên bản” ở Trạm Tấu, Yên Bái. Đó là dự án được xã hội quan tâm và đánh giá cao vì Trạm Tấu là một bản từ xưa tới nay chưa bao giờ có điện. Và giải thưởng “Hoa hậu Nhân ái” của Đỗ Mỹ Linh trong Miss World 2016 có sự đóng góp rất quan trọng của dự án này. Khi dự án được chiếu tại cuộc thi, BTC rất xúc động vì họ thấy được sự tiếp nối của Hoa hậu Việt Nam sau khi đăng quang.
Như vậy, với tư duy không để các hoa hậu, á hậu “tự bơi”, loay hay tự tìm lối đi cho mình, sau khi đạt giải, ngoài các hoạt động thiện nguyện, BTC thực hiện việc ký cam kết hỗ trợ giúp thí sinh giữ gìn hình ảnh, phát triển bản thân, trụ vững trong môi trường mới.