Những ngày vừa qua, câu chuyện giá gạo Việt Nam lên cao vẫn đang rất "nóng". Người nông dân có cơ hội có thêm thu nhập, thêm giá trị sau những ngày miệt mài với đồng ruộng.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, thị trường gạo giai đoạn này không còn chỉ là vấn đề được mùa được giá của người nông dân, vấn đề kinh doanh có lãi của thương lái, của doanh nghiệp hay điều hành đảm bảo an ninh lương thực của cơ quan quản lý nhà nước nữa.
“Trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung gạo như hiện tại, cả thế giới đang dõi theo từng hành vi, động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam. Câu chuyện về gạo hiện nay lớn hơn là một lĩnh vực kinh doanh đơn thuần hay thậm chí còn lớn hơn việc đảm bảo an ninh lương thực của một quốc gia.
Bởi bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong đảm bảo hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và phát triển bền vững của rất nhiều quốc gia”, chuyên gia Võ Trí Thành nhận định.
Do đó, thời điểm này, đang có nhiều bài toán được đặt ra. Tình hình những ngày tới sẽ rất khó dự báo. Trước diễn biến này, theo chuyên gia Võ Trí Thành, Bộ Công Thương đang có những nỗ lực chỉ đạo để hài hòa lợi ích các bên, để vừa phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước trong mọi tình huống, ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô; Vừa phải tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, cân bằng lợi ích kinh doanh giữa các thành phần tham gia thị trường gắn với giữ chất lượng sản phẩm, đảm bảo thương hiệu gạo Việt.
Đáng chú ý, ông Thành cho rằng, việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước cần hiểu đúng theo 2 nghĩa “đảm bảo có đủ và đảm bảo tiếp cận được”.
“Đảm bảo có đủ, tức phải đảm bảo nguồn cung cho người dân, dự trữ ổn định. Để làm được điều này, việc đảm bảo nguồn cung này cần tính toán kĩ lưỡng, vượt trên ngưỡng thông thường, xét đến bối cảnh khó đoán định thời gian tới. Đảm bảo tiếp cận được, tức người dân phải mua được với giá bình ổn, tránh để giá tăng cao theo xu hướng chung của thế giới, ảnh hưởng đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phân tích.
Đánh giá việc theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, các kho để kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng lúc này là hết sức cần thiết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Về việc tận dụng thời cơ thị trường, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lưu ý, các doanh nghiệp cần xác định đúng thời điểm, bao gồm “thời điểm đàm phán, thời điểm ký kết hợp đồng, thời điểm thu mua từ người nông dân”… Bởi hiện nay, độ vênh về giá gạo rất khó lường, giá gạo thay đổi từng ngày và bên nào cũng muốn hưởng lợi lớn nhất trong kinh doanh.
Với “bài toán đảm bảo hợp đồng” mà các doanh nghiệp đang đối diện (Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng từng nhắc nhở), ông Thành cho rằng cần tăng cường tính linh hoạt trong việc kí kết các hợp đồng, tránh để xảy ra tranh chấp, đánh mất uy tín trên thị trường.
“Người nông dân, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu hãy tính đến đường dài, đảm bảo thực hiện hợp đồng để giữ được thị trường trong tương lai thông qua nắm chắc mối liên kết dài hạn với các đối tác”, ông Thành gợi ý.