Tấn công tình dục gia tăng trong quân đội Mỹ: Do luật của quân đội quá lỏng lẻo?

Hàng chục nghìn vụ tấn công tình dục đã xảy ra trong quân đội Mỹ.
Hàng chục nghìn vụ tấn công tình dục đã xảy ra trong quân đội Mỹ.
(PLO) - Một số vụ việc diễn ra thời gian qua đã dấy lên những nghi vấn về cam kết của quân đội Mỹ trong việc trấn áp các sai phạm về tình dục cũng như buộc các chỉ huy phải chịu trách nhiệm đảm bảo công lý, theo Washington Post. 

Giương cao, đánh khẽ

Tháng 9/2015, tại Căn cứ không quân Maxwell-Gunter, bang Alabama, một nhân viên dân sự ngoài 30 tuổi đã gửi báo cáo tới lãnh đạo căn cứ, tố cáo Đại tá Ronald S. Jobo – cấp trên của cô, là một người đã có gia đình – đã liên tục gửi những tin nhắn mang tính chất gạ gẫm cô, theo dõi các hoạt động của cô, thậm chí còn gửi cho cô những đoạn ghi âm ghi lại việc ông ta đang thủ dâm trong toilet cho cô. Người phụ nữ cho biết đã nhiều lần đề nghị cấp trên hành xử đúng mực nhưng Jobo không những không dừng lại mà mức độ quấy rối của ông ta ngày càng cao hơn. Ví dụ, theo tố cáo của người phụ nữ, viên Đại tá đã 2 lần lừa cô vào phòng của ông ta, ôm lấy vai của cô và cố hôn cô…

Ngay sau khi nhận được tin báo, các điều tra viên của không quân Mỹ từ hàng trăm tin nhắn mà Jobo đã gửi cho nữ nhân viên cũng như các đoạn video do người này cung cấp đã xác nhận phần lớn những cáo buộc của cô là đúng sự thực. Do đó, các điều tra viên cho rằng Đại tá Jobo đã phạm tội lạm dụng tình dục nạn nhân. Theo luật của quân đội Mỹ, cáo buộc này sẽ tự động dẫn tới việc Jobo phải bị đưa ra xét xử tại tòa án binh. Quy trình xét xử như vậy sẽ được công khai với công chúng và nếu bị kết tội, Jobo có thể sẽ phải nhận mức án tối đa là 7 năm tù giam và bị ghi danh là tội phạm tình dục.

Tuy nhiên, trong hệ thống tư pháp quân đội của Mỹ, các chỉ huy, chứ không phải là các công tố viên, mới là những người có thẩm quyền quyết định về việc liệu có theo đuổi một vụ việc hình sự chống lại một thành viên của lực lượng mình hay không. Ở trường hợp của Jobo, theo đúng quy trình, quyết định về bước đi tiếp theo sau báo cáo của các điều tra viên do Trung tướng John F. Thompson – sỹ quan cấp cao nắm quyền chỉ huy một số căn cứ, trong đó có căn cứ Maxwell-Gunter - xử lý. Ông Thompson đóng quân tại Căn cứ Wright-Patterson ở Ohio, cách căn cứ Maxwell-Gunter nơi xảy ra vụ việc hơn 1.000km.

Tháng 3/2016, Tướng John F. Thompson quyết định không khởi tố Jobo về cáo buộc lạm dụng tình dục hay bất cứ tội danh nào khác. Thay vào đó, viên đại tá chỉ phải nhận những mức kỷ luật nhẹ như không phạt. Như vậy, ông ta đã không phải ra tòa, không bị công khai hành vi của mình và những thông tin về vụ việc cũng không được công bố. Kết quả này được cho là cũng tương tự hàng ngàn cuộc điều tra tấn công tình dục khác được lực lượng vũ trang Mỹ tiến hành mỗi năm. 

Phần nổi của tảng băng

Từ năm 2013, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch chống lại nạn tấn công và quấy rối tình dục trong hàng ngũ của mình. Động thái này diễn ra sau một loạt những vụ bê bối liên quan đến tình dục trong quân đội Mỹ, dấy lên những nghi vấn cho rằng hệ thống tư pháp của lực lượng này quá cổ hủ trong việc đối phó với vấn đề. Khi ra làm chứng trước Quốc hội khi đó, các thành viên của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng đã thừa nhận đã lơ là vấn đề này trong nhiều năm.

Kể khi chiến dịch được phát động, các lực lượng vũ trang của Mỹ đã cam kết giải quyết vấn đề tấn công và quấy rối tình dục trong quân đội, đồng thời dành các nguồn lực mới để đào tạo và thực thi pháp luật. Trong năm 2016, số vụ tấn công tình dục được báo cáo trong quân đội Mỹ, bao gồm từ tiếp xúc tình dục không phù hợp tới hiếp dâm, đã lên đến 6.172 vụ, là một con số kỷ lục. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng sự gia tăng này là một dấu hiệu tiến bộ, rằng sẽ có thêm các nạn nhân sẽ đứng ra tố cáo các hành vi sai phạm vì họ có niềm tin rằng thủ phạm sẽ bị buộc phải chịu trách nhiệm. 

Tuy nhiên, vẫn theo các tính toán, con số trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi, ước tính của Lầu Năm Góc thừa nhận chỉ có khoảng 1 trong 3 nạn nhân từng bị tấn công tình dục đứng ra tố cáo thủ phạm. Và, hơn 90% trong số các vụ việc đã được tố cáo đó lại được điều tra và xử lý theo quy trình kín. Trong năm 2016, chỉ có 389 vụ tấn công tình dục xảy ra trong quân đội được đưa ra xét xử tại tòa và được công bố trước dư luận.

Thông thường, các chi tiết liên quan đến vụ việc ở Căn cứ không quân Maxwell-Gunter được giữ kín. Không quân Mỹ cũng đã từ chối đề nghị cung cấp thông tin cho báo chí theo Đạo luật tự do thông tin. Tuy nhiên, bằng nhiều nguồn khác nhau, Washington Post vẫn đã có được hơn 400 trang tài liệu về vụ việc. Và, kết quả xem xét các tài liệu trong vụ việc của Jobo mà tờ báo này có được đã dấy lên những nghi vấn về cam kết trấn áp những hành vi sai phạm về tình dục cũng như buộc các chỉ huy phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo công lý của quân đội Mỹ. “Vụ việc như vậy lẽ ra phải đưa ra tòa án binh”, Đại tá về hưu Don Christensen, từng là công tố viên trưởng của không quân Mỹ nhận xét. 

Tài liệu của Washington Post cũng cho thấy, sếp cũ của Jobo là Robert Carl Shofner vào năm 2015 cũng đã bị tổng thanh tra của không quân Mỹ chỉ trích khi vẫn cố đẩy nhanh quá trình thăng chức của một thanh tra từng bị tố quấy rối tình dục cũng như giảm nhẹ các cáo buộc ngoại tình của một cấp dưới khác. Tổng thanh tra của không quân Mỹ khi đó cho rằng, với việc không có hành động phù hợp, ông Shofner đã góp phần hình thành văn hóa “dung thứ cho quấy rối tình dục” tại căn cứ Gunter.

Luật có thể tùy nghi áp dụng

Theo Washington Post, hầu hết các chỉ huy của quân đội Mỹ đều có rất ít, nếu không muốn nói là không được đào tạo về pháp luật. Do đó, tại Quốc hội Mỹ cũng đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận về việc có nên trao lại thẩm quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp lý, đặc biệt là các vụ việc tấn công tình dục của họ cho các công tố viên. 

Đề xuất này được đưa ra sau khi các nghị sỹ Mỹ bắt đầu chú ý tới cách thức giải quyết các vụ tấn công tình dục và quấy rối xảy ra trong quân đội nước này. Ví dụ, năm 2013, các thành viên tại Thượng viện Mỹ đã lên tiếng phản đối sau khi nhận được thông tin về việc 2 trung tướng không quân đã tha cho 2 đối tượng phạm tội tình dục trong hàng ngũ của họ. Trước sức ép từ dư luận và các nhà làm luật, 2 tướng này sau đó đã xin nghỉ. 

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc phản đối kịch liệt đề xuất trên. Theo lập luận của Bộ Quốc phòng Mỹ, các chỉ huy cần phải duy trì được quyền hạn của họ để đảm bảo trật tự và kỷ luật trong đơn vị. Bên cạnh đó, Bộ trên cũng cho rằng các chỉ huy vẫn nhận được các lời khuyên từ các luật sư quân đội khi xử lý các vụ việc nên vẫn đảm bảo về mặt pháp lý. 

Trong luật của quân đội Mỹ có rất ít các nguyên tắc mang tính bất di bất dịch để có thể làm rõ những vụ việc nào phải đưa ra xét xử tại tòa án. Do đó, các chỉ huy có thể chỉ áp dụng mức phạt kỷ luật đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng trong khi lại yêu cầu đưa ra xét xử tại tòa án binh đối với những người chỉ phạm lỗi nhỏ. Điển hình là việc vào tháng 3/2017, một binh nhì thuộc lực lượng không quân ở New Jersey đã bị buộc tội tại tòa án binh vì đến muộn 6 phút trong cuộc họp với chỉ huy.

Trong vụ việc của Jobo, Tướng Thompson đã khẳng định với nạn nhân rằng ông sẽ xem xét vụ việc một cách nghiêm túc. “Ông ấy nói rằng sẽ đối xử với tôi như với con gái của ông ấy vậy”, người phụ nữ nói. Ngày 3/2/2016, các nhà điều tra tại Văn phòng điều tra đặc biệt của không quân Mỹ (OSI) đã hoàn tất điều tra và gửi báo cáo cho ông Thompson. Báo cáo dẫn những bằng chứng cho thấy Jobo đã có hành vi lạm dụng tình dục nạn nhân. Theo một sửa đổi trong luật quân sự của Mỹ đã được Quốc hội nước này thông qua, nếu ông Thompson đồng ý các thông tin về việc tiếp xúc tình dục, vụ việc sẽ được đưa ra tòa án binh, trừ những trường hợp có ý kiến khác từ các lãnh đạo cấp cao nhất trong lực lượng không quân.

Tuy nhiên, vài tuần sau đó, vào ngày 24/3/2016, vị Trung tướng đã đổi ý và quyết định không đệ trình các cáo buộc hình sự chống lại Jobo. Thay vào đó, ông ta chỉ yêu cầu kỷ luật nhân viên của mình vì có hành vi không phù hợp với một sỹ quan và một số vi phạm khác. Án kỷ luật được công bố sau đó là Jobo đã buộc phải nghỉ hưu và bị giáng xuống cấp trung tá. Dù bị kỷ luật nhưng Jobo vẫn được hưởng mức lương lên đến 72.000 USD mỗi năm. Còn người phụ nữ từng đứng ra tố cáo ông ta đã xin chuyển tới một căn cứ khác vì cảm thấy không an toàn.

Đọc thêm

Những lý do đằng sau việc Mỹ muốn đòi lại Kênh đào Panama?

Những lý do đằng sau việc Mỹ muốn đòi lại Kênh đào Panama?
(PLVN) - Tổng thống đắc cử Donald Trump mới đây đã tuyên bố sẽ mở rộng lãnh thổ và sự kiểm soát của quốc gia này, trong đó bao gồm việc sẽ giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama. Tầm ảnh hưởng của Kênh đào Panama lớn tới đâu và lý do của Mỹ khi bày tỏ mong muốn “đòi lại” con kênh đào này là gì?

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.