Ông Chuck Hagel hôm qua chính thức trở thành bộ trưởng quốc phòng mới của Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama. Tân bộ trưởng quốc phòng nhậm chức trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với các khoản cắt giảm ngân sách lớn và nhiều đối thủ từ đảng Cộng hòa vẫn nghi ngờ về khả năng tiếp quản công việc của ông Hagel.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel |
Ông Hagel tuyên thệ nhậm chức trong ngày 27/2 (giờ địa phương) và nhiều khả năng sẽ công bố danh sách các nhân viên cấp dưới ngay trong ngày đầu tiên tại nhiệm sở. Cuộc tranh cãi gay gắt kéo dài suốt 7 tuần về đề cử ông Hagel vào cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc đã kết thúc hôm 26/2.
Cựu thượng nghị sỹ 2 nhiệm kỳ của tiểu bang Nebraska đã giành được thế đa số với 58 phiếu thuận so với 41 phiếu chống. Chỉ có 4 thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa gia nhập cùng nhóm các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ ủng hộ cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam. “Tôi rất vinh dự vì Tổng thống Obama và Thượng viện đã tin tưởng để tôi được một lần nữa phục vụ đất nước” – ông Hagel nói trong một tuyên bố.
Bất chấp lời hứa sẽ làm việc chặt chẽ với Quốc hội của tân bộ trưởng quốc phòng, nhiều thượng nghị sỹ Mỹ vẫn tỏ ra e dè về khả năng ông Hagel có thể xử lý công việc của mình. Chỉ ít lâu sau cuộc bỏ phiếu, thượng nghị sỹ bang South Carolina Lindsey Graham cho biết ông vẫn có những hoài nghi về ông Hagel và năng lực của ông này. “Tôi hy vọng vì lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta, ông ấy có thể làm hơn cả mong đợi” – thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa nói.
Trong khi đó, thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Ủy ban các vấn đề vũ trang của Thượng viện Jim Inhofe cho rằng, những phát biểu trước đây của Hagel về vấn đề Israel, Iran, về ngân sách quốc phòng và vũ khí hạt nhân cho thấy một cái nhìn thiếu chiều sâu về nhiều vấn đề quan trọng mà ông này sẽ phải đối mặt ở cương vị bộ trưởng quốc phòng.
Tổng thống Mỹ Obama đã hoan nghênh kết quả bỏ phiếu và nói rằng ông biết ơn ông Hagel “vì đã nhắc nhở chúng ta rằng trong vấn đề quốc phòng thì chúng ta không phải là người Dân chủ hay Cộng hòa. Chúng ta là người Mỹ và trách nhiệm lớn nhất của chúng ta là an ninh của người dân Mỹ”. Với kết quả bỏ phiếu nói trên, ông Hagel sẽ chính thức gia nhập nhóm kiến thiết an ninh quốc gia của ông Obama, gồm có ngoại trưởng John Kerry và người đang được đề cử vào chức vụ giám đốc CIA John Brennan, tại thời điểm bất ổn về mặt quân sự đang nổi lên từ 2 cuộc chiến lớn mà nước Mỹ phải xử lý cũng như cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới với các khoản ngân sách nhỏ hơn và đang dần thâm hụt.
Trong số những khó khăn mà ông Hagel phải đối mặt có việc giải quyết các khoản cắt giảm ngân sách và quyết định mức độ quân sự ở Afghanistan khi Mỹ rút khỏi chiến trường này. Việc chấp thuận Hagel diễn ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang đối mặt với khả năng sẽ bị cắt giảm các khoản ngân sách 46 tỉ USD trong vòng 7 tháng tới.
Các khoản cắt giảm này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3 tới, trong khi Bộ quốc phòng Mỹ cũng đang triển khai kế hoạch cắt giảm chi tiêu 487 tỉ USD trong vòng một thập kỷ tới. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, thượng nghị sỹ Inhofe đã thúc giục ông Hagel đưa ra quyết sách đầu tiên để ngăn ngừa việc cắt giảm ngân sách quốc phòng đang đến gần. Tuy nhiên, ông Inhofe đã hứa sẽ hợp tác với ông Hagel.
Ông Hagel cũng sẽ phải làm việc với các nhà làm luật vốn đã gièm pha ông trong suốt mấy tuần qua. “Ông ấy sẽ nhậm chức với sự ủng hộ yếu hơn bất cứ bộ trưởng quốc phòng nào trong lịch sử hiện đại, làm giảm hiệu quả xử lý công việc của ông ấy” – thượng nghị sỹ bang Texas John Cornyn, nhân vật quyền lực số 2 của đảng Cộng hòa tại Thượng viện nói.
Cuộc bỏ phiếu về đề cử ông Hagel đã chấm dứt một trong những cuộc chiến gay gắt nhất xung quanh lựa chọn nội các kể từ năm 1989 cho đến nay. Hồi năm 1989, Thượng viện do đảng Dân chủ lãnh đạo đã thành công trong việc hạ bệ ứng viên bộ trưởng quốc phòng John Tower của đảng Cộng hòa do Tổng thống George H.W. Bush đề cử.
Trong số những điểm mấu chốt dẫn đến sự chậm trễ trong việc chấp thuận đề cử ông Hagel, các nghị sỹ Cộng hòa cáo buộc ông Hagel có quan điểm quá mềm dẻo trong quan hệ với Iran và đã nhận các khoản tiền từ các nhóm cực đoan và cấp tiến.
Minh Ngọc (theo AP, Reuters)