Quy mô hãng trên 30 máy bay
Ngày 24/12 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam chính thức trao giấy chứng nhận khai thác tàu bay cho Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (hãng hàng không Vietravel Airlines), khẳng định năng lực của hãng đạt đủ chứng chỉ, điều kiện cần thiết để tiến hành khai thác thương mại.
Hai ngày sau, Vietravel Airlines tổ chức sự kiện ra mắt rầm rộ tại TP Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines, dự án lập hãng hàng không của đơn vị này có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, đủ điều kiện khai thác vận tải hàng không trong 50 năm, quy mô trên 30 máy bay, bao gồm các đối tượng vận chuyển đa dạng gồm hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu kiện...
“Hãng cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không và các gói du lịch trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không và phát triển ngành du lịch lữ hành, tăng cường kết nối du lịch liên ngành, liên vùng”, lãnh đạo Vietravel Airlines khẳng định.
Do mới được thành lập nên quy mô ban đầu của Vietravel Airlines còn khiêm tốn. Hiện tại, Vietravel Airlines mới chỉ có 1 máy bay A321, dự kiến 2 chiếc nữa sẽ về vào tuần đầu tháng 1/2021. Theo kế hoạch, tới tháng 6/2021, hãng sẽ nhận thêm 2 chiếc nữa, nâng tổng số máy bay lên 5 chiếc vào giữa năm sau. Về mặt nhân sự, hiện hãng đang có 200 phi công và tiếp viên.
Theo ông Vũ Đức Biên - Tổng giám đốc Vietravel Airlines, các đường bay đầu tiên sẽ kết nối từ Huế - Hà Nội và Huế - TP Hồ Chí Minh, sau đó mở rộng mạng bay đến Nha Trang, Vân Đồn, Đà Nẵng, Đà Lạt… Trong dài hạn, hãng hướng tới việc mở rộng đường bay quốc tế, thu hút một lượng lớn du khách nước ngoài đến Việt Nam. Thị trường quốc tế đầu tiên mà Vietravel Airlines hướng đến là các nước ASEAN, cụ thể Bangkok - Thái Lan, sau đó là các thị trường Vietravel vốn có sẵn lợi thế như Trung Đông, Đông Bắc Á... Về giá vé, lãnh đạo Vietravel Airlines cho biết định hướng là hãng hàng không này “lai” giữa mô hình giá rẻ và truyền thống nên giá sẽ ở giữa Vietjet và Bamboo Airways. Trong mục tiêu ngắn hạn, Vietravel Airlines lên kế hoạch có lãi từ năm thứ 2 trở đi.
Hàng không nội địa cạnh tranh, người dân được hưởng
Như vậy, thị trường hàng không nội địa Việt Nam hiện có 6 hãng hàng không, bao gồm Vietravel Airlines, Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietjet và VASCO. Theo ông Võ Huy Cường – Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, khi có thêm hãng bay, thị trường hàng không trong nước sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt hơn và đó sẽ là sự cạnh tranh công bằng, điều này về lâu dài sẽ thúc đẩy ngành hàng không phát triển. Đối tượng hưởng lợi chính là người tiêu dùng.
Ngay từ tháng 1/2021, “tân binh” Vietravel Airlines sẽ mở vé bán và khai thác thương mại, phục vụ hành khách trong mùa cao điểm Tết Nguyên đán. “Tân binh” Vietravel Airlines có những lợi thế riêng để cạnh tranh, tập trung vào combo dịch vụ đa dạng, không chỉ vé máy bay mà cung cấp trọn gói chuỗi dịch vụ khách sạn, nhà hàng, hướng đến mỗi chuyến bay là một hành trình du lịch.
Hãng này sẽ tận dụng các thế mạnh hiện có như hệ thống chi nhánh 40 văn phòng khắp cả nước cùng 6 văn phòng toàn cầu, kinh nghiệm 25 năm trong lĩnh vực điều hành du lịch để tạo thêm giá trị gia tăng lợi ích cho khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh.
“Trên chuyến bay, tiếp viên không chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn hành khách về an toàn bay mà còn giới thiệu toàn bộ điểm đến, điểm vui chơi, ẩm thực, văn hóa du lịch”, lãnh đạo Vietravel Airlines nói và cho biết đang có kế hoạch thu hút khách, dành thị phần hàng không nội địa.
Hiện thị phần hàng không nội địa đang cạnh tranh nhau quyết liệt. Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines và Pacific Airlines) chiếm hơn 55% thị phần, còn lại thuộc về các hãng Vietjet, Bamboo Airways và VASCO. Có thể trong tương lai không xa, khi Vietravel Airlines bay thương mại ổn định, tỷ lệ thị phần trên có thể sẽ có sự thay đổi.