Đánh giá cái tâm, cái tầm đó, thước đo chính là dư luận xã hội và người dân ít khi nhầm lẫn mà nhìn nhận sai một cán bộ lãnh đạo vì hơn ai hết, nhân dân là người biết rõ người đó đã làm gì cho dân, cho nước hay vun vén cho bản thân và gia đình như thế nào. Một thước đo khác, chính thống nhưng chưa hẳn là hoàn toàn chính xác đó chính là việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt của Quốc hội, do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Khớp hai cái thước đo là bỏ phiếu trong nghị trường và dư luận ngoài xã hội sẽ được một chỉ số phản ánh khá chính xác cái tâm, cái tầm của một người cán bộ lãnh đạo. Phiếu tín nhiệm cao mà sự đánh giá của dân thấp thì chưa hẳn đã tốt và ngược lại. Tuy nhiên, thước đo phiếu tín nhiệm của Quốc hội sẽ mở ra một cách ứng xử tự trọng, tầm thấp nhưng có tâm, tức là phiếu tín nhiệm thấp thì anh có thể tự nguyện từ chức, còn dư luận xã hội thì không bao giờ làm được việc đó.
Một loạt sự kiện xảy ra trong đời sống xã hội và quản lý nhà nước trong khi Quốc hội đang họp phản ảnh khá trung thực cái tâm, cái tầm của cán bộ lãnh đạo ở cái cấp mà còn chưa được lấy phiếu tín nhiệm. Cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm thì đâu để đường cao tốc vừa sử dụng đã hỏng, để các công trình giao thông đô thị “đội vốn”, chậm tiến độ, gây phiền hà cho người dân, thất thoát cho ngân sách đến vậy.
Mới đây, báo chí phản ánh việc làm của một lãnh đạo địa phương vừa có tâm, vừa có tầm, mặc dù không nhắc gì đến 2 từ này. Đó là ông Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp với việc xuất khẩu lao động ở địa phương mình sang làm việc tại Nhật Bản. Cái tầm của ông là nhìn ra một thị trường lao động hấp dẫn và tạo mọi điều kiện để con em địa phương mình sang lao động và học tập. Cái tâm của ông là biết khuyến khích, động viên lớp trẻ với phương châm của ông đề ra là sang Nhật làm việc không phải để giảm nghèo mà bây giờ đi làm thuê để sau này về nước làm chủ. Hẳn ông không có ý định để lại một “dấu ấn nhiệm kỳ” nhưng chỉ một việc làm này đối với dân ở tỉnh ông đủ để mọi người còn ghi nhớ và biết ơn ông.
Cái tâm, cái tầm không phải là câu nói cửa miệng mà đó là đòi hỏi thực sự của nhân dân, của đất nước đối với cán bộ lãnh đạo dù ở địa phương hay T.Ư.