Luật sư Tống Thị Linh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Luật TNBTCNN năm 2017 quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường như sau:
(1) Theo đề nghị của người yêu cầu bồi thường trong hồ sơ yêu cầu bồi thường quy định tại điểm e khoản 3 Điều 41 của Luật TNBTCNN, cơ quan giải quyết bồi thường tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại sau đây:
- Thiệt hại về tinh thần quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 27 của Luật TNBTCNN (bao gồm: Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn trong hoạt động tố tụng hình sự; thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết; thiệt hại về tinh thần trong trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật);
- Thiệt hại khác có thể tính được ngay mà không cần xác minh.
(2) Trình tự, thủ tục tạm ứng kinh phí bồi thường được thực hiện như sau:
- Ngay sau khi thụ lý hồ sơ, người giải quyết bồi thường có trách nhiệm xác định giá trị các thiệt hại thuộc diện được tạm ứng và đề xuất Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường việc tạm ứng kinh phí bồi thường và mức tạm ứng cho người yêu cầu bồi thường;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất, nếu còn dự toán quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan giải quyết bồi thường phải hoàn thành việc tạm ứng kinh phí và chi trả cho người yêu cầu bồi thường;
Trên cơ sở kinh phí đã tạm ứng để chi trả cho người yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp bổ sung kinh phí đã tạm ứng cho người yêu cầu bồi thường;
- Trường hợp không còn đủ dự toán quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất, Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường có văn bản đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền tạm ứng kinh phí để chi trả cho người yêu cầu bồi thường.
(3) Cơ quan tài chính có trách nhiệm cấp kinh phí cho cơ quan giải quyết bồi thường như sau:
- Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường đã tạm ứng kinh phí cho người yêu cầu bồi thường, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị bổ sung kinh phí của cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan tài chính có thẩm quyền có trách nhiệm bổ sung kinh phí cho cơ quan giải quyết bồi thường;
- Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường có văn bản đề nghị tạm ứng kinh phí, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị tạm ứng kinh phí, cơ quan tài chính có thẩm quyền có trách nhiệm cấp kinh phí cho cơ quan giải quyết bồi thường.
(4) Thẩm quyền và mức tạm ứng: Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường quyết định mức tạm ứng cho người yêu cầu bồi thường nhưng không dưới 50% giá trị các thiệt hại thuộc diện được tạm ứng.