Bức thư này được Tiến sĩ Lý chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Lần 1, lần 2 rồi thêm lần nữa... cứ mỗi lần dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến mới, các thầy cô lãnh đạo nhà trường và các phòng ban các khoa trao đổi chia sẻ. Tim nóng nhưng đầu lại cần lạnh để cân nhắc: học - nghỉ - nghỉ - học…
Các em gián đoạn việc trở lại trường đã gần 2 tháng. Do diễn biến phức tạp, bất ngờ và khó lường của dịch Covid-19, nhà trường, thầy cô rất xin lỗi vì có lúc khiến các em rơi vào hoàn cảnh tréo ngoe, khó xử, thậm chí có khi còn khó chịu do việc dời lịch học. Hy vọng các em đã hiểu những khó khăn khi nhà trường đứng trước áp lực: cho sinh viên tiếp tục nghỉ học để ngăn chặn dịch bệnh lây lan hay tiếp tục tổ chức việc học cho kịp tiến độ? Thầy biết việc hoãn lại thời gian học có ảnh hưởng lớn đến kế hoạch và dự định của các em.
Cũng như các em, thầy cô hóng từng ngày, từng giờ mong tình hình ổn định để các em tiếp tục đến trường, để được gặp lại các em. Có những việc tưởng chừng như chỉ thực hiện theo như đã định lại phải thông báo lại, những ca mà các em hay gọi “phút chót”... là điều mà trong bối cảnh này không ai mong muốn…
Thầy cô biết các em đang nóng lòng với tiến độ học tập. Thầy cũng rất muốn các em quay trở lại trường ngay nhưng nhà trường không thể. Việc học là suốt đời, chúng ta có thể tạm hoãn. Sức khỏe là quan trọng nhất và nhà trường không thể mạo hiểm để đem ra làm phép thử đối với thứ quý báu này.
Thầy rất mong các em hiểu, có sự chia sẻ và chấp hành nghiêm túc quy định về y tế, giáo dục của tất cả các sinh viên, học viên với nhà trường. Trong thời gian nghỉ học và học tập tại nhà, các em nhớ giữ gìn sức khỏe, tăng cường tập thể dục và thực hiện khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh. Thầy cô chúc các em sinh viên và học viên luôn bình an và nhớ học tập tại nhà hiệu quả”.
Còn Ths. Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn, Trường phổ thông Hermann Gmeiner Hà Nội, trong bức thư gửi học sinh của mình lại gọi đây là “khoảng thời gian đặc biệt”. Bởi theo Ths. Phượng, “dịch bệnh sẽ chấm dứt. Thời gian con cái ngày ngày bên cha mẹ cũng sẽ qua đi. Trong quãng đường trưởng thành tiếp theo, có thể chẳng còn khoảng thời gian nào đặc biệt như vậy.
Đâu đó trong nỗi âu lo mang tên Covid-19 bên mâm cơm gia đình, chúng ta chợt thấy đã lâu cả nhà mới có cảm giác sum vầy mỗi ngày. Mấy chị em ở lại thành phố tự trông nhau, cùng gia đình trở về quê trú ngụ hay theo mẹ cha đi làm - đứa trẻ nào cũng đang sở hữu một “giấy thông hành” hạnh phúc như vậy vào mùa dịch…
Covid-19 chính là bối cảnh thực tế minh chứng rằng việc học tập vượt ra ngoài không gian của trường lớp. Nếu có một kế hoạch học tập chủ động, cô giáo tin rằng, các con sẽ duy trì được thói quen học tập, làm chủ kiến thức và không uể oải khi trở lại trường học. Các con có thể trau dồi kĩ năng thông qua việc làm bếp, dọn dẹp nhà cửa, trồng cây. Hãy đọc cuốn sách các con yêu mến và làm những điều mà các con ấp ủ trong lòng. Thật hạnh phúc, nếu cha mẹ có thể cùng con làm việc đó…”.