Phải “che giấu” để bảo vệ…
Những người phụ nữ có tình cảm với người đồng giới, họ buộc phải lựa chọn một trong hai con đường, hoặc chấp nhận cuộc sống với “chồng” của mình, chăm sóc cho đứa con đã dứt ruột sinh ra, hoặc lựa chọn sống đúng với giới tính của mình, tìm kiếm một người phù hợp hơn. Nhưng khi những người đồng tính nữ (lesbian) này đã làm mẹ, sự lựa chọn của họ lại quyết định rất nhiều điều trong cuộc sống.
Đó là câu chuyện của chị An Nhi (TP HCM). Dù thú nhận việc khi đã lấy chồng, sinh con xong thì mới phát hiện ra giới tính của mình, nhưng chị cũng cho rằng “dù muộn còn hơn là không thể sống đúng với mình”. Cũng như những người đồng tính khác, chị lập gia đình mà không có tình yêu với bố của đứa trẻ, chỉ bởi do tình thương giữa hai gia đình.
Ngay trước đêm trước khi chính thức trở thành “vợ”, chị cũng phải giằng xé rằng nên về nhà chồng hay nên “trốn”. Lúc đó, dù chưa biết mình thuộc cộng đồng LGBT nhưng trong chị cũng xác định được bản thân không thích con trai. Đã có lúc, chị dường như trầm cảm, nhất là trong chuyện vợ chồng. Một thời gian chị đi học, gặp một người bạn lesbian, chị mới nhận ra được cảm xúc của mình.
Thú nhận với chồng: “Em không có thương đàn ông, kể cả từ lúc lấy anh đến giờ”, chồng của chị bị sốc, cho rằng chị chỉ bị say nắng hay cảm xúc nhất thời. Bởi lúc đó, chị cũng đã sinh con, nên rất khó để chị có thể bỏ con ở lại, chị cũng xin chồng được mang con của mình về nhà ngoại để có thể xác định được bản thân.
Sau khoảng thời gian 1 năm ly thân đó, vừa chăm sóc cho con, vừa phải chật vật kiếm sống, vừa phải giấu gia đình hoàn cảnh vất vả của mình sau khi công khai giới tính, chị trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chị cũng có một mối tình 5 năm, nhưng rồi vì nghĩ cho con, chị cũng dừng lại.
Cho đến nay, khi đã mạnh mẽ hơn, dám sống hết mình với giới tính, chị vẫn dành vẹn nguyên tình cảm cho đứa con của mình. Chị tìm được hạnh phúc mới với 1 người lesbian khác, sống hạnh phúc, bình dị, sống là chính mình và cảm nhận được hết niềm hạnh phúc mà trước đây chị tìm kiếm.
Không phải ai trong câu chuyện giống chị Nhi cũng đều mạnh mẽ, quyết đoán để có thể lựa chọn sống đúng với giới tính của mình. Câu chuyện của một cô gái lesbian giấu tên trên diễn đàn mạng đã thu hút nhiều ý kiến quan tâm của cộng đồng. Ở tuổi 26, khi đã có một gia đình với người chồng và một bé trai xinh xắn 23 tháng tuổi, trong chị luôn cảm nhận được những cơn bão lòng bởi mâu thuẫn hoàn cảnh và cảm xúc của bản thân.
Rồi chị cũng gặp người mà chị cảm nhận được những tình cảm rung động riêng, thế rồi cũng dừng lại. Thương con nhỏ gia đình không trọn vẹn, chị cũng sợ người đời sẽ vì chị mà chỉ trích đứa con, chị đành ghìm lại nỗi lòng bản thân. Nhiều lúc nghĩ đến cái chết, nhiều lúc vẫn loay hoay đi tìm bản thân, chị vẫn chưa thể tìm được lối đi đúng cho chính mình.
Một trường hợp khác đó là chuyện của chị Vũ Thị Tuyết Nhung (Hải Phòng) khi quyết định đến với người tình đồng giới của mình ở độ tuổi U50. May mắn, chuyện của chị luôn được các con ủng hộ. Chị Phương, bạn tình của chị Nhung hiện đang có 1 đứa con 8 tuổi.
Chị Phương chia sẻ rằng: “Con trai tôi chỉ mới 8 tuổi và không giỏi nói tiếng Việt (chị hiện sinh sống tại Úc). Thế nhưng không biết ai đã bày cho cu cậu để cậu nói câu này với mẹ: “Mẹ thương mẹ Nhung nhiều, nên con không phản đối”.
Dù đến với nhau những vẫn còn khoảng cách về địa lý, hai chị cũng cho biết trước mắt họ đang chấp nhận sống xa nhau một thời gian và vẫn chăm sóc cho những đứa con riêng của hai người. Tuy nhiên, hai chị cũng cho biết sẽ nhanh chóng tìm cách để có thể về cùng sống với nhau tại Úc, cùng nhau chăm sóc và sinh con.
Chị Nhung chia sẻ: “Đến một lúc nào đó khi các con đều đã trưởng thành, chúng tôi sẽ trở về Việt Nam để được sống những ngày cuối đời bên người thân, bạn bè và quê hương”. Như vậy, dù quyết định sống đúng với giới tính bản thân, họ cũng không bỏ quên sứ mệnh làm mẹ của mình, vẫn luôn dành cho những đứa con một khoảng thời gian nhất định để chúng có thể hiểu và chấp nhận mình. Hai chị cũng không quên dành cho con môi trường lớn lên tốt nhất, luôn yêu thương và chăm sóc cho nhau không có phân biệt, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và cùng nuôi con.
Phải mạnh mẽ hơn vì con!
Vào năm 2016, một phân đoạn gây khó chịu trong chương trình truyền hình nổi tiếng của Philippines, Eat Bulaga đã gợi lên nhiều bức xúc, trong đó một người cha đồng tính được yêu cầu che giấu giới tính của mình để bảo vệ con mình khỏi bị kì thị, bắt nạt ở trường.
Trong bức thư ngỏ, Cha Roque đã chia sẻ với kênh CNN của Philippines: “Tôi là một bà mẹ đồng tính nữ và tôi đã chọn không che giấu giới tính của mình, bởi vì tôi yêu con tôi. Tôi không nghĩ con bé đáng bị lừa dối. Việc lừa dối con bé mẹ nó là ai là sự phản bội lớn nhất”.
Nhiều người mẹ đồng tính phải che giấu xu hướng giới tính của mình để bảo vệ con |
Và trong một cuộc phỏng vấn một năm sau đó với CNN Philippines, người mẹ đồng tính này đã mạnh mẽ chỉ ra “những người phán xét không đáng bị ghét bỏ, nhưng cần được giáo dục”. Cô cho rằng “mỗi cuộc đấu tranh để được chấp nhận đều đi kèm với công tác nâng cao nhận thức, giáo dục suy nghĩ của mọi người”.
Khi được hỏi về việc nuôi dạy con gái của mình – Kelsey, Cha Roque thừa nhận cô bé đã bị bắt nạt ở trường học. Cô bé Kelsey nghe thấy các bạn cùng lớp nói chuyện sau lưng về việc cô bé có hai người mẹ; do một số bạn cùng lớp đã phát hiện ra điều này từ tấm ảnh Kelsey đăng lên Facebook.
Khi Kelsey nói với bạn cùng lớp rằng cô bé rất giận vì điều đó; giáo viên đã yêu cầu Kelsey xin lỗi về những gì đã xảy ra và nói với cô bé rằng cô bé nên suy nghĩ trước khi đăng bất cứ điều gì lên mạng. Cha Roque nói rằng Kelsey đã cảm thấy “thất vọng và bị phản bội” bởi cô giáo và bạn bè trong lớp. Đáp lại, Cha Roque đã yêu cầu trường học cung cấp khoá đào tạo SOGIE về xu hướng tính dục, bản sắc giới tính và biểu hiện cho giáo viên của họ.
Ban giám hiệu trường tỏ ra cởi mở với ý tưởng này những không bao giờ biến nó thành hành động. Sau đó, cô đã gửi bức thư ngỏ đến chương trình Eat Bulaga nhưng cũng chỉ chìm vào dĩ vãng. Bất ngờ thay, bài đăng trên Facebook của Cha Roque đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người mẹ đồng tính khác, dẫn đến một bản kiến nghị trên trang Change.org với đề xuất cung cấp khoá đào tạo SOGIE cho mọi người, đầu tiên là những người làm công việc truyền thông.
Cha Roque tiết lộ cô được nuôi dưỡng trong một gia đình yêu thương và chấp nhận, người đã giúp cô cảm thấy thoải mái với xu hướng tính dục của mình. Do đó, cô cảm thấy thông cảm đối với cộng đồng các bà mẹ đồng tính nữ, được hỗ trợ và tư vấn những người đang gặp phải khó khăn giống mình. Qua đó, cô nhận ra rằng, những đứa trẻ có hai bà mẹ đồng tính nữ thường có xu hướng bị cô lập và nói xấu ở trường bởi gia đình của các bé.
Là người “bố” cũng là người mẹ, Cha Roque hay bất cứ bà mẹ đồng tính nữ nào đều mong muốn con mình được đối xử công bằng, bình đẳng và phát triển như một đứa trẻ bình thường. Cha Roque đã dành nhiều thời gian để truyền cảm hứng cho các bà mẹ đồng tính nữ khác. Cô chia sẻ: “Tôi ước tôi có thể nói với bạn rằng con bạn sẽ không bị bắt nạt hay bị phân biệt đối xử nhưng tôi không thể. Đó là lý do bạn phải mạnh mẽ.
Tự hào. Hãy ngẩng cao đầu khi đi dạo cùng gia đình, khi giới thiệu với mọi người rằng đây là gia đình của bạn, khi xây dựng những kỷ niệm đẹp trong cuộc sống đầy màu sắc của con trẻ. Tôi mong các bạn yêu quý những đứa trẻ và mạnh mẽ hơn vì chúng”.
Quả thực, dù là giới tính nào, những người phụ nữ cũng luôn dành những tình cảm và sự chăm sóc tốt nhất cho đứa con của mình. Không ai là hoàn hảo, quan trọng là mỗi người lựa chọn cho mình cách sống như thế nào. Với những người lesbian, vượt qua rào cản xã hội, họ đang nỗ lực tìm kiếm giá trị bản thân và giá trị hạnh phúc xứng đáng.