Khi một cái gì do nhân duyên mà thay đổi thì nó không còn tính cách đồng nhất, do đó nó vô ngã, hay về bản chất nó không có chủ thể riêng biệt.
Ví dụ nói con người là vô thường là bởi vì chúng ta thấy rõ bản thân đang thay đổi, chuyển hóa trong từng khoảnh khắc cả về sinh học lẫn suy nghĩ đang biến hoại dần dần về hình thức. Nhưng nói ta là vô ngã thì chúng ta phải nhìn bằng cái nhìn duyên khởi. Trong cái nhìn đó, con người là một tập hợp của các điều kiện nhân duyên, của tổng hòa các mối quan hệ gia đình, xã hội, của sự tu tập, trau dồi để trưởng thành...
Nhiều hệ tư tưởng khác cũng đã đề cập đến ý niệm vô thường. Chẳng hạn, khi đứng trên bờ sông nhìn xuống dòng nước đang trôi chảy, nhà triết học lỗi lạc Heraclite nói: Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, bởi vì bước xuống cùng một dòng sông, thường gặp phải những dòng nước mới. Đức Khổng Tử thì viết: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ?”, nghĩa là “Trôi chảy hoài, ngày đêm không thôi, như thế này ư?”.
Cả Nho gia và triết học phương Tây nhìn chung tuy có ý niệm về tính vô thường, nhưng dường như không có ý niệm về tính vô ngã trong vạn sự, vạn vật. Do đó, có thể nói giáo lý vô ngã của Đức Phật là một giáo lý mang tính cách mạng rất vĩ đại.
Trong bài pháp thứ hai tại vườn Nai, kinh Vô ngã tướng, Đức Phật đã dạy tính vô ngã trong thân năm uẩn của con người: “Này các thầy, sắc (thể chất, thân thể vật lý) này là vô ngã. Này các thầy, nếu trong sắc có ngã như vậy, sắc không phải chịu đau khổ và ta có thể ra lệnh “sắc phải như thế này hay phải như thế kia”. Nhưng vì sắc không có ngã (vô ngã), nên sắc này còn phải chịu khổ đau và không thể có trường hợp (ra lệnh) “sắc này phải như thế này hay sắc phải như thế kia”.
Các uẩn còn lại: thọ (cảm giác), tưởng (tri giác), hành (các trạng thái tâm lý và thái độ tâm lý), thức (nhận thức) cũng tương tự. Cả năm uẩn tạo thành một ý niệm giả tạo về một “cái ngã” hay một hữu thể chúng sinh đồng nhất, không thay đổi.
Từ đó rất dễ dàng sanh ra tâm lý tham đắm, mê say, ôm âp, bảo thủ và chấp chặt vào những gì thuộc về năm uẩn (ngã sở). Thế nhưng, mọi hữu thể hay ngã thể ấy luôn chuyển biến theo quy trình tương quan duyên khởi. Sự sinh thành và hoại diệt trong hình thể và ngay trong bản chất của năm uẩn là kết quả của các điều kiện nhân duyên và quá trình sinh, lão, bệnh, tử, hay hành, tại, hoại, diệt, luôn là chân lý công ước cho mọi con người và mọi loài, mọi vật.
Sự thiếu suy tư, cân nhắc trong hành vi đối với thực tại vô ngã của vạn sự, vạn vật thường là nẻo đường dẫn đến các phiền lụy, tham ái - nguyên nhân gần dẫn đến khổ đau. Pháp ấn vô ngã không những xác định tính pháp định của chánh pháp mà còn là đặc tính riêng biệt trong giáo lý đạo Phật. Chính vì tầm quan trọng này, vô ngã được xem là pháp ấn thứ ba trong Tam pháp ấn.
Tuy nhiên, cần hiểu vô thường, khổ và vô ngã theo tinh thần của giáo lý duyên khởi. Trong đạo Phật, một giáo pháp trùm chứa tất cả các giáo pháp khác, và tất cả giáo pháp sống nằm ở trong tâm thức mỗi người. Do vậy, trong thực tại của thế giới hiện tượng, vô thường cũng chính là vô ngã khi đứng về phương diện thời gian để thẩm định.
Và khổ đau thật sự không phải nằm trên bình diện hiện tượng sinh tử, thành hoại của con người và thế giới, mà phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của con người đối với tính vô thường - vô ngã của vạn sự, vạn vật.
Nhận thức đúng bản chất đối với các hoạt động tâm-sinh-vật lý của bản thân là có cái nhìn thật rõ về ba pháp ấn vô thường - khổ - vô ngã của ngũ uẩn. Chừng nào mọi suy tư của con người còn bị buộc ràng trong các ý niệm về sự thường trú vĩnh hằng của tự ngã và các pháp chấp sai lầm, khi đó Tam pháp ấn vẫn còn giá trị và hiện hữu giữa cõi đời.
Tam pháp ấn chính là ba chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đi vào giải thoát, là ba phương pháp quán niệm để chuyển hóa tự thân. Tam pháp ấn cũng là các khuôn dấu, nguyên lý y cứ để hiệu chỉnh, tái thẩm định mọi lý thuyết, ngôn luận, pháp môn tu tập trong đạo Phật.
(Đón đọc: Tìm hiểu về Tứ diệu đế của Phật giáo)