Thời niên thiếu cơ cực
“Doanh nghiệp ngại nhất làm sai”, đó là chia sẻ mở đầu của doanh nhân Hồ Phi Hùng trong câu chuyện với chúng tôi. Và cũng từ những chia sẻ ấy, người ta hiểu thêm về những thăng trầm khó khăn của ông Hùng khi mới chập chững bước chân vào kinh doanh cũng như bản lĩnh để có một Đại Hùng Land như ngày nay.
Trải lòng về những chuyện đã qua, những chuyện hiện tại và mong muốn cho mai sau, và từ những câu chuyện đó, vị doanh nhân 8X đưa người nghe trở lại những ngày ông vừa khởi nghiệp, vất vả cam go, vướng mắc khó khăn bủa vây từ mọi phía.
Ông Hùng chia sẻ thực tế rất nhiều hộ kinh doanh đều muốn thành lập doanh nghiệp để có pháp nhân, tạo dựng được thương hiệu, uy tín.
“Tuy nhiên do người ta không nắm luật, không hiểu luật thành ra sợ làm sai. Bởi vậy tôi mong muốn ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, tập huấn, phổ cập nhiều kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp.
Nếu được có thể thường xuyên cho cán bộ đi “thị sát” tại các doanh nghiệp để hiểu rằng doanh nghiệp muốn gì, cần gì và đang thiếu gì nhằm nhanh chóng hỗ trợ. Chúng tôi mong muốn việc đồng hành cùng doanh nghiệp bằng những việc làm thiết thực để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ngoài ra chúng tôi cũng mong Nhà nước có những phương án hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trong làm ăn, kể cả doanh nghiệp nhỏ”, ông Hùng nói.
Ông Hùng sinh ra lớn lên ở mảnh đất Yên Thành (Nghệ An) với những mùa hè nắng cháy, mùa đông rét buốt hanh khô, gia đình sống bám vào vài ba sào ruộng vẫn không đủ ăn. Gia cảnh khó khăn khiến chàng trai không thể tiếp tục đến trường và phải nghỉ học sau khi tốt nghiệp cấp 2 trường làng.
Ông Hùng kể lại, khi đó dù còn ít tuổi nhưng luôn suy nghĩ phải đi xa để lập nghiệp, không để bản thân chịu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Chàng trai quyết định xin cha mẹ rời quê nhà vào huyện Thủ Đức (nay là quận Thủ Đức, TP HCM) mưu sinh.
Tuy nhiên do còn ít tuổi, lại mới học hết lớp 9, chàng thanh niên không thể xin được một công việc nhàn hạ. Cuối cùng phải xin làm phụ bếp cho một công ty may mặc trên địa bàn với đồng lương phải co kéo lắm mới đủ trang trải cuộc sống.
Những khó khăn đó không làm chàng trai xứ Nghệ nhụt chí, Hồ Phi Hùng quyết định làm thêm việc để tăng thu nhập bằng cách đi vác nước đá mỗi đêm. Nhờ công việc ấy, càng có cơ hội va vấp nhiều và hiểu hơn cuộc sống khó khăn vất vả.
Và cũng từ đó nhận ra rằng dù thế nào đi nữa vẫn phải cố gắng kiếm con chữ để làm nền tảng. Cũng từ đó chàng trai tham gia lớp bổ túc văn hóa tại một trường trên địa bàn Thủ Đức rồi cũng nhanh chóng hoàn thành khóa học chuyển sang học sơ cấp xây dựng.
“Thật ra không phải học mới thành công nhưng cha mẹ khổ nhiều rồi, mình phải làm sao để khá hơn, nếu không sẽ trở nên thụt lùi so với sự phát triển của xã hội. Và tôi nghĩ rằng học vấn chính là nền tảng của một con người để dễ dàng chạm tay đến với thành công, nên quyết định bằng mọi giá phải tiếp tục đi học”, ông Hùng nói.
Khởi nghiệp kiên trì
Sau khi tốt nghiệp, chàng trai đứng ra vay mượn vốn liếng bước chân vào lĩnh vực cung cấp vật liệu, thiết bị xây dựng. Tuy nhiên do thời điểm này kinh tế khá khó khăn, việc kinh doanh không mấy thuận lợi khiến vị giám đốc trẻ muốn chuyển hướng làm ăn. Nghe nhiều người bạn tư vấn nên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, ông quyết định dấn thân.
“Thời điểm này là năm 2007, khi đó cũng đã có máu làm ăn nên ban đầu tôi định hướng là muốn thành lập doanh nghiệp, nhưng vẫn còn e ngại việc đụng chạm đến những vấn đề như kế toán thuế má, và thật sự là chưa hiểu rõ Luật Doanh nghiệp,…
Hơn nữa hồi đó chưa có quy định hỗ trợ mạnh cho người nơi khác đến địa phương làm ăn, nên bước đầu khó khăn thật sự”, ông Hùng chia sẻ. Cũng vì những khó khăn đó mà những năm đầu khi bước chân vào nghề xây dựng, bản thân ông không dám thành lập doanh nghiệp mà phải mượn pháp nhân công ty của bạn để tập kinh doanh.
Nhưng do là “của đi mượn” nên phải chi trả nhiều khoản phí, lợi nhuận lại chia năm sẻ bảy nên suốt thời gian dài ông làm ăn không có lãi. Trong những lúc ấy, ông luôn khao khát sẽ tự mở cho mình một công ty riêng. Nhiều đêm trằn trọc nên làm gì, ông đọc báo, lên mạng, đọc sách để tìm hiểu về thủ tục thành lập doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, thuế,… Khi đã hiểu rõ những vấn đề đó, ông nhận ra không quá khó nếu làm đúng, làm đủ.
Từ nền tảng ấy, đến năm 2009, ông mạnh dạn thành lập Công ty TNHH TMSX Đại Hùng Land. Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng thương mại dân dụng, trang trí nội thất ngành gỗ, gỗ, dịch vụ ăn uống.
“Những ngày đầu thành lập công ty do thiếu vốn, còn non trẻ nên mọi vấn đề còn khó khăn nhưng nhờ kiên trì nên mọi thứ dần đi vào ổn định. Không lâu sau Đại Hùng Land đã có tiếng trên thương trường, được nhiều người biết đến. Hồi đó mỗi ngày tôi dùng chiếc xe cũ của mình đi khắp các tỉnh Đông Nam bộ, miền Tây để tìm kiếm khách hàng, giới thiệu quảng cáo về công ty.
Mình làm ăn chân chính, đúng luật thì dần dần cũng được khách hàng chấp nhận rồi người này giới thiệu người kia vậy thôi. Có những giai đoạn khó khăn đến nỗi không trả kịp lương cho công nhân. Nhưng giờ đây mọi thứ đã ổn, công nhân cũng được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong đời sống, công việc”, doanh nhân trẻ nhớ lại.
Ông chia sẻ, có những thời điểm cũng vì việc thiếu hiểu biết pháp luật, đi chưa đúng cách mà bản thân ông cũng như công ty gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ đó công ty rút ra bài học là mọi việc cần hiểu biết pháp luật sâu sắc sẽ tốt hơn.
“Từ khi thành lập đến nay Đại Hùng Land luôn thực hiện nghĩa vụ thuế cũng như nghĩa vụ của doanh nghiệp với nhà nước. Bởi tôi nghĩ dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng được nhà nước hỗ trợ, vì vậy mình phải có trách nhiệm đóng góp vào ngân sách để xây dựng đất nước”, ông Hùng nói.
Kinh doanh gắn liền trách nhiệm xã hội
Nay đã thành công, ông Hùng chia sẻ luôn hướng về quê hương, biết được anh em họ hàng ở quê nhà còn khó khăn nên mỗi năm ông thường về quê để tuyển lao động cho công ty với mức lương rất hấp dẫn. Nhờ vậy đến nay ông đã có hơn 100 công nhân, nhân viên chính thức và hàng trăm công nhân thời vụ. Có những công nhân khi làm tốt sẽ được công ty còn hỗ trợ mua nhà để sớm an cư lạc nghiệp.
Gắn liền kinh doanh với trách nhiệm xã hội, doanh nhân Hồ Phi Hùng luôn quan tâm đùm bọc những người khó khăn. Hàng tháng ông đều đến trại dưỡng lão, cô nhi, chùa,… để gặp gỡ những hoàn cảnh bất hạnh, dùng chút tấm lòng san sẻ khó khăn.
Ngoài làm việc kinh doanh, công ty còn đỡ đầu nuôi 120 bé mồ côi. |
Hiện tại công ty đang đỡ đầu cho 120 em bé mồ côi tại một tỉnh miền Tây, hàng tháng chu cấp các nhu yếu phẩm cho những em bé này. Đồng thời ông cũng làm nhiều việc thiện nguyện cho quê nhà như xây nhà tình nghĩa, quỹ khuyến học, ủng hộ xây dựng nông thôn mới.
“Sống trên đời theo tôi nghĩ cần nhất là sẻ chia bởi mình may mắn hơn một số người. Điều đó cũng không có gì to lớn nhưng đó chính là món quà giúp họ có thêm nghị lực, tin vào cuộc sống”, ông Hùng trầm tư.
Bên cạnh đó với lĩnh vực xây dựng, bất động sản, ông Hùng đang hàng ngày giúp đỡ những người lao động nghèo có nhà cửa ổn định với hình thức cho mua nhà trả góp 3 năm, 5 năm không lãi suất. Nhờ vậy mà nhiều người có được mái nhà khang trang.