Tạm ngừng xử phạt không lắp camera giám sát xe kinh doanh vận tải đến hết năm 2021

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2021, trong đó có nội dung về đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện xe ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trước đó, đầu tháng 6/2021, Hiệp hội Vận tải Hải Phòng và Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội có văn bản gửi Chính phủ và một số bộ, ngành kiến nghị các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Trong nhiều nội dung đề xuất, hiệp hội vận tải 2 thành phố này có đề nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn lắp camera đối với xe ô tô chở khách từ 9 chỗ ngồi trở lên theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đến 31/7/2023 thay vì 1/7/2021.

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kể từ 1/7/2021, các loại xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo sẽ phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.

Về đề xuất của 2 hiệp hội, ngày 14/6, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi Công văn 5521/BGTVT-VT kiến nghị lên Chính phủ về việc đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị từ 1/7/2021 đến hết 31/12/2021, chưa xử lý với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo; từ 1/7/2021 đến hết 30/6/2022, chưa xử lý với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên.

Trong công văn này, Bộ GTVT nói rằng nhận được phản ánh từ nhiều hiệp hội doanh nghiệp vận tải, theo đó các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do dịch COVID-19, dẫn đến doanh thu vận tải bị giảm sút.

Đáng chú ý, về đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện xe ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tại Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2021, trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quyết định tạm ngưng áp dụng đến hết 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi quy định tại điểm p khoản 5 Điều 23, điểm c khoản 3 Điều 24, điểm o, p khoản 6 Điều 28 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, điểm p khoản 5 Điều 23 và điểm c khoản 3 Điều 24 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm như: Điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định; trong khi điểm o, p khoản 6 Điều 28 quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: Sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định; không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Như vậy, với Nghị quyết mới ban hành của Chính phủ từ 1/7/2021 đến 31/12/2021, những cá nhân, tổ chức sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm các quy định nêu trên.

Đọc thêm

Những quy định pháp luật phụ nữ cần biết để bảo vệ mình

Những quy định pháp luật phụ nữ cần biết để bảo vệ mình
(PLVN) - Trong xã hội hiện đại, pháp luật là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho mọi công dân, đặc biệt là phụ nữ. Dù các quyền cơ bản đã được công nhận, phụ nữ vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện quyền này. Hiểu biết về pháp luật giúp phụ nữ tự bảo vệ và đấu tranh vì quyền lợi của mình.

Nhiều điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo

Ảnh minh họa
(PLVN) - Tăng lương, tăng phụ cấp, giảm tuổi nghỉ hưu, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo... là một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15.

Phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cao nhất là 5.200 đồng/xe.km

Phí sử dụng đường bộ cao tốc từ 900 đồng/xe.km đến 5.200 đồng/xe.km. (Ảnh: Hồng Thương)
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.Theo đó, có 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, với mức thu thấp nhất 900 đồng/xe.km và cao nhất là 5.200 đồng/xe.km.