Ít người biết được rằng những chiếc cặp đi học kiêm luôn áo phao cứu sinh kia được làm bởi tâm huyết của một cô giáo. Giờ đây, với cương vị mới là giám đốc Công ty TNHH Nam Thăng Long ở Kim Bảng, Hà Nam, chị Đinh Thị Song Nga có thêm nhiều cơ hội để thực hiện những dự định mới nhằm giúp giảm thiểu những tai nạn thương tâm cho trẻ em trong mùa mưa lũ và giúp thêm nhiều chị em phụ nữ, người tàn tật ở địa phương thoát nghèo.
Lối ngoặt cuộc đời
Quyết định nghỉ dạy học sang nghề sản xuất áo phao và cặp phao cứu sinh đến với cô giáo Nga hết sức tình cờ, khi cậu con trai mình sáng chế ra chiếc cặp kiêm áo phao cứu sinh. Chị nhớ lại: “ Tôi chẳng thể quên cái buối tối hôm ấy, cả nhà không cầm được nước mắt khi xem ti vi chứng kiến cảnh 19 em học sinh ở Con Cuông, Nghệ An bị chết đuối rất thương tâm. Chợt nhớ đến chiếc cặp con mình làm, tôi nghĩ tại sao mình không làm, nó chắc chắn sẽ giúp giảm thiểu những tai nạn đau lòng này.”
Để thực hiện nung nấu đó, chị học nghề may và tiến hành may thử một số sản phẩm cặp phao cứu sinh, mạnh dạn mang đi triển lãm và mang đến những vùng thường xảy ra lũ lụt để tặng và giới thiệu sản phẩm.
Nghĩa cử và sản phẩm cặp đi học kiêm áo phao cứu sinh đó gây được chú ý của xã hội. Đơn đặt hàng đầu tiên gồm 4000 chiếc cặp từ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho trẻ em vùng lũ khiến cho chị và gia đình vui mừng và cũng không ít lo lắng. Đơn đặt hàng quá lớn trong khi công nhân của chị vẫn còn chưa thạo nghề, thời gian thì gấp rút, tính sao đây?.
Nhưng khó khăn không khuất phục được người phụ nữ có nghị lực kiên cường ấy, chị mượn tiền mua thêm máy may, tận dụng ngôi nhà đang ở làm xưởng may và gấp rút đào tạo hàng chục công nhân. Kết quả là lô hàng giao đúng tiến độ và đảm bảo được những yêu cầu kỹ thuật khắt khe.
Đến giờ sau mấy năm rời bục giảng bước chân vào thương trường, chị Nga vẫn đau đáu nhớ về ngôi trường tiểu học Nhật Tân B, nơi chị có 22 năm gắn bó. Chị bảo, ít nhiều công việc bây giờ gắn bó với lũ trẻ cũng khiến mình bớt quay quắt nhớ nghề cũ đi ít nhiều.
Người phụ nữ giàu lòng nhân ái
Với những thành công ban đầu có được, chị cùng với chồng thành lập Công ty TNHH Nam Thăng Long. Quy mô ban đầu của xưởng chỉ là gian nhà nhỏ với 6 công nhân. Thế nhưng, từ sau khi hoàn tất đơn đặt hàng của Viettel, chị được khá nhiều công ty và các tổ chức từ thiện đến đặt hàng. Đặc biệt là tổ chức Thriive- một tổ chức của Hoa Kì đã cho chị vay vốn với không lãi xuất và phải trả nợ trong vòng hai năm bằng chính sản phẩm cặp phao cứu sinh.
Ngay năm đầu tiên xưởng may của chị đã sản xuất được 10.000 cặp phao, áo phao cứu sinh. Doanh thu ngày một tăng cao, tính riêng trong năm 2011, Công ty chị đã sản xuất ra 60.000 áo phao, cặp phao cứu sinh các loại, cho doanh thu trên 9 tỷ đồng, dự kiến năm 2012 doanh thu tăng trưởng 40% so với năm trước. Hiện tại Công ty chị có 60 công nhân với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng, cao nhất có công nhân thu nhập 8 triệu đồng/tháng.
Trong đám đông công nhân đang làm bên bàn máy đó, tôi chú ý thấy có những công nhân khuyết tật đang hăng say làm. Chị Nga bảo, đó là những người khuyết tật ở địa phương và những xã lân cận. Ngoài việc có thu nhập công bằng như những công nhân khác, những công nhân khuyết tật tại đây còn được hưởng những chế độ ưu đãi như: không phải làm thêm ngoài giờ và còn được tăng lương nếu hoàn thành tốt công việc được giao.
Chỉ cho chúng tôi xem một chiếc cặp vừa may xong với mẫu mã khá đẹp trên đó in những câu thơ được viết theo lối thư pháp, chị bảo, những điều hay, lẽ phải mà từng nói cho học sinh trên bục giảng giờ được gửi gắm vào đây. Cũng chính vì lẽ đó, khi sản xuất những chiếc cặp, áo phao cứu sinh chị luôn trích một phần từ lợi nhuận tặng cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó nhưng biết vươn lên học giỏi.
Ước mơ ấp ủ trong của chị Nga là trong thời gian tới là mở rộng diện tích xưởng may, trang bị thêm các thiết bị máy móc và tuyển thêm lao động vào làm việc tại công ty; trong đó ưu tiên cho những người khuyết tật và những người có hoàn cảnh khó khăn. Mong rằng những dự định của chị sớm thành hiện thực để góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương và đưa ra thị trường những sản phẩm hữu ích không chỉ cho trẻ em vùng lũ.
Phương Thảo