Những người làm Báo PLVN đã từng đặt chân đến nhiều miền đất nước, chia sẻ những khó khăn về vật chất, tinh thần cùng cán bộ, người dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt những năm gần đây bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, các chương trình xã hội của Báo PLVN được thực hiện ngày càng dày hơn, đến được với nhiều người dân hơn..
Xóa nghèo pháp luật
Năm 2018 là năm thứ 3 Báo PLVN thực hiện Đề án Chung tay xóa nghèo pháp luật, tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo. Đúng như tên gọi của chương trình, thực hiện xóa nghèo pháp luật, tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo qua ấn phẩm báo chí bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, Báo PLVN đã vận động tài trợ để tổ chức xuất bản chuyên trang Biên giới - Biển đảo trên ấn phẩm Báo PLVN hàng ngày; tổ chức xuất bản sách chuyên đề về pháp luật biên giới và hải đảo để cấp phát miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng. Trong 2 năm 2016 và 2017, Báo PLVN đã vận động được hàng tỷ đồng từ các doanh nghiệp để tổ chức xuất bản và cấp phát miễn phí hàng trăm nghìn tờ báo tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ cán bộ các xã vùng biên giới, hải đảo.
Với sự ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp, Báo PLVN đã đưa báo về với các địa phương miền núi, khu vực kinh tế khó khăn thuộc Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Lâm Đồng, Tiền Giang…
Phó Tổng Biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến trong một chuyến công tác thiện nguyện |
Bên cạnh những “món ăn tinh thần”, cũng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, PLVN đã trao nhiều ngôi nhà cho các hộ gia đình chính sách. Đơn cử, Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” tại Sóc Trăng tháng 12/2017, Báo PLVN cùng Công ty Xổ số Kiến thiết TP Cần Thơ và Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp miền Nam trao tặng 4 căn nhà cho hộ gia đình chính sách và gia đình nghèo bức xúc về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Cũng trong chuyến đi trên, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, Báo PLVN cùng Đoàn từ thiện, doanh nghiệp tại TP Cần Thơ trao tặng 300 phần quà (gần 120 triệu đồng) cho các hộ gia đình nghèo, bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Hay tại Hải Phòng, năm 2017 Báo PLVN đã vận động tài trợ mua 15 vô tuyến tặng các cán bộ, chiến sỹ biên phòng và một số hộ gia đình chính sách gặp khó khăn trong cuộc sống.
Tại những nơi các đoàn công tác thiện nguyện của PLVN đi qua, đều cảm nhận tình cảm chân thành, biết ơn của cán bộ, người dân là đối tượng được thụ hưởng của chương trình. Nói như ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thì thông qua chương trình, pháp luật đã đến gần hơn với bà con nghèo, đặc biệt là bà con vùng biên giới, biển đảo còn thiếu thốn về mọi mặt. Nhờ đó, giúp bà con nâng cao hiểu biết pháp luật, giúp đỡ họ ổn định đời sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Còn với những người dân cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, họ cảm động trước những món quà nghĩa tình mà Báo PLVN trao tặng.
Tiếp nối những thành công của các chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật”, dự kiến trong năm 2018, Báo PLVN sẽ mở rộng chương trình đến một số địa phương thuộc vùng Tây Bắc nhằm chia sẻ những khó khăn của người dân cũng như các học sinh miền núi.
Phó Tổng Biên tập Vũ Hoàng Diệp (giữa) tặng quà cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn |
Và những chuyến đi bồi đắp tâm hồn
Tháng 7 là Tháng tri ân của những người làm Báo PLVN với dải đất miền Trung nắng lửa. Duy trì đã 11 năm qua, nhưng mỗi lần đến là một lần cảm xúc với miền Trung vẹn nguyên xúc động. Những ngày đầu tháng 7 vừa qua, Đoàn công tác do TS Đào Văn Hội, Tổng Biên tập dẫn đầu đã cùng các đồng chí trong Ban Biên tập và 50 cán bộ, phóng viên (chủ yếu là các phóng viên trẻ) tri ân miền Trung với những “Địa chỉ đỏ” trong hành trình, đó là thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ Thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc, nghĩa trang Liệt sỹ Việt - Lào. Nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng, liệt sỹ, ở mỗi nơi đoàn đến dâng hương là sự biết ơn vô tận đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Theo TS Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo PLVN, những chuyến Tri ân miền Trung là dịp để cán bộ, phóng viên Báo PLVN được giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”. Những chuyến đi như vậy sẽ tiếp thêm nguồn năng lượng mới, niềm tin mới để những người làm Báo PLVN thêm đoàn kết, phấn đấu xây dựng tờ báo ngày càng lớn mạnh, phục vụ sự nghiệp truyền thông pháp luật và đóng góp nhiều hơn nữa cho nền báo chí cách mạng nước nhà.
Những tấm gương cán bộ tư pháp vượt khó luôn được Báo PLVN theo dõi, động viên |
Ấn tượng với cách mà những người làm Báo PLVN chia sẻ với người dân miền Trung, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính nói rằng đây là lần đầu tiên ông dự “Tháng 7 tri ân miền Trung – Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn” nhưng đã mang cho ông cảm xúc thật đặc biệt để thêm yêu quý, tự hào về mảnh đất mình sinh ra và gắn bó. Tự hào để nhắc mình cống hiến tốt hơn cho mảnh đất anh hùng này. “Cảm ơn Báo đã về với Quảng Trị và có những món quà tri ân, thật ý nghĩa và thiết thực”, ông Chính nói.
Vẫn lời ông Chính: “Trong thời buổi này, một tờ báo không chỉ làm tốt chức năng truyền thông pháp luật mà còn làm rất tốt việc gìn giữ, phát huy đạo lý như PLVN quả là hiếm có. Và chúng tôi cần, rất cần những tờ báo như vậy!”.
Cũng như chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật”, trong những chuyến hành trình tri ân miền Trung, với sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Báo PLVN đã trao tặng những ngôi nhà tư pháp, những sổ tiết kiệm nhằm sẻ chia, giúp đỡ các cán bộ đang công tác trong ngành Tư pháp vơi bớt những khó khăn trong đời sống.
Mỗi một hành trình khép lại, lại mở ra những hành trình mới với những miền đất mới, nhưng dù ở đâu thì Báo PLVN vẫn luôn ghi nhớ tôn chỉ mục đích để phát triển vững bền của tờ báo, đó là “Đảng tin, dân yêu, doanh nghiệp đồng hành”.
Lễ trao tặng nhà tình nghĩa tổ chức năm 2010 tại Bắc Giang |
Anh Hồ Tơ Hưm (dân tộc Vân Kiều) không may mắn chịu cảnh mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Cha anh Hưm mất trước khi anh sinh ra, đến năm anh 9 tuổi thì người mẹ cũng lâm bệnh nặng rồi qua đời. Cả 3 chị em được người bà ngoại già yếu đưa về cưu mang, chăm sóc.
Trước khi được trao tặng quà, vợ chồng anh cùng đứa con gái nhỏ và bà ngoại đang ở nhờ nhà của họ hàng và 11 thành viên phải sống chen chúc trong căn nhà sàn chật hẹp. Vợ của anh Hưm lại không có việc làm, mọi chi phí sinh hoạt của 4 miệng ăn trong gia đình chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi hàng tháng của anh Hưm. Để có thêm tiền trang trải, những ngày cuối tuần anh Hưm còn phải đi phụ hồ hay bốc vác gỗ thuê cho các xưởng gỗ nhưng cũng chỉ đủ sống qua ngày. Vì thế việc gom góp tiền để dựng nhà riêng là một niềm mơ ước khó thực hiện.