Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội 14 Đảng bộ thành phố được đưa ra lấy ý kiến toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thành phố. Đại diện các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết với tương lai thành phố Cảng.
Phát huy sức mạnh toàn dân
Về chủ đề Đại hội 14 Đảng bộ thành phố, các ý kiến cơ bản nhất trí với chủ đề trong Dự thảo Báo cáo chính trị, “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phát huy toàn diện, đồng bộ lợi thế của thành phố Cảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững để Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020”.
Góp thêm ý kiến, Tiến sĩ Khoa học Lã Trọng Long (Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật thành phố ) cho rằng, chủ đề đại hội cần chuyển tải được 2 nội dung: động lực chủ chốt để hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn 2010-2015. Động lực cách mạng của giai đoạn 2010-2015 bao gồm 2 nhân tố: nhân tố số 1 là năng lực lãnh đạo, năng lực tổ chức và sức chiến đấu của Đảng bộ. Nhân tố số 2 là sức mạnh của nhân dân. Theo Tiến sĩ Lã Trọng Long, chủ đề đại hội trong dự thảo chưa thể hiện được nhân tố “sức mạnh nhân dân”. Trong khi đó, điều này đã được thể hiện trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11: “ Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc”. Ở thành phố Cảng, sức mạnh của nhân dân không chỉ thể hiện ở tinh thần của giai cấp công nhân đã được tôi luyện thử thách qua nhiều thế hệ, đội ngũ doanh nhân thành phố Cảng trong mọi thời kỳ cũng rất đáng tự hào. Trong thời kỳ hội nhập và mở cửa, nếu không có chính sách, chế độ phù hợp, nguồn lực ấy sẽ “chảy đi” địa phương khác, thậm chí quốc gia khác. Vì vậy, chủ đề đại hội cần bổ sung cụm từ: “sức mạnh của nhân dân thành phố”.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hội Xây dựng Hải Phòng Đinh Văn Giáp cho rằng, chủ đề đại hội mới đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng, mà chưa đề cập rõ đến sức mạnh to lớn của nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Vì vậy, dự thảo cần bổ sung cụm từ : “Phát huy trí tuệ nguồn lực của nhân dân thành phố”. Còn ông Đào Viết Tác (Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường thành phố) cho rằng, dự thảo cần làm rõ tiêu chí đã nêu trong chủ đề của Đại hội: “công nghiệp văn minh, hiện đại” là như thế nào, tính khả thi. “Liệu trong khoảng 10 năm nữa, chúng ta có giải quyết được những vấn đề còn bức xúc hiện nay về nhiều lĩnh vực như đô thị, văn hóa, xã hội để cơ bản trở thành thành phố “công nghiệp văn minh, hiện đại” hay không ?
Các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào Báo cáo chính trị Đại hội 14 Đảng bộ thành phố. |
Đột phá mạnh vào phát triển đô thị
Phần đông các ý kiến đều đồng tình với 3 khâu đột phá đã nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị nhấn mạnh hơn nữa vai trò đột phá nguồn nhân lực, bao gồm cả đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách thu hút nhân tài, chính sách cán bộ…Chủ tịch Hội Xây dựng Hải Phòng Đinh Văn Giáp cho rằng, Dự thảo Báo cáo chính trị xác định 3 khâu đột phá chính xác, nhưng chưa đủ. Hải Phòng là thành phố đô thị loại 1 cấp quốc gia, nhưng chúng ta còn nhiều yếu kém trong công tác quản lý, phát triển đô thị. Dự thảo đánh giá là phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhưng thực tế là phát triển quá chậm. Nhiều dự án “lỗi hẹn”, chậm triển khai, chậm hoàn thành. Thành phố có nhiều dự án tuy gần xong hạ tầng hoặc hoàn thành nhưng mặt bằng vẫn bỏ trống. Nhiều đường phố, ngõ phố không thể hiện được tiêu chuẩn đô thị “như chưa lên phường”. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa quan tâm đến việc xây dựng đô thị phải bắt đầu từ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các công trình kiến trúc, nhà ở theo từng tuyến phố, chưa hình thành các khu đô thị hiện đại. Vì vậy, cần phải nhấn mạnh quyết tâm xây dựng đô thị, trong đó có việc xây dựng các tuyến phố văn minh, hiện đại và khu đô thị văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa xây dựng mô hình nông thôn mới gắn kết đồng bộ nông nghiệp-nông thôn-nông dân. Trong 5 năm tới, thành phố cần chỉ đạo xây dựng một số mô hình này. Hiệu trưởng Trường đại học Y Hải Phòng Phạm Văn Thức cho rằng, nên thay cụm từ “là quyết tâm của hệ thống chính trị” bằng cụm từ : “là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị” cho rõ nghĩa hơn trong thực hiện các khâu đột phá.
Đầu tư thế nào, kết quả tương xứng
Tiến sĩ Lã Trọng Long so sánh: Trong Báo cáo chính trị Đại hội 13 Đảng bộ thành phố, văn hóa được đưa lên hàng đầu: Văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế. Trong Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng 11 cũng xếp thứ tự trên tinh thần coi văn hóa là yếu tố hàng đầu trong phát triển văn hóa-xã hội : Văn hóa, y tế, giáo dục, KHCN. Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội 14 Đảng bộ thành phố xếp thứ tự ưu tiên: Giáo dục Đào tạo, Khoa học Công nghệ, Văn hóa, Y tế, An sinh xã hội. Nếu nhìn vào vị trí sắp xếp thì Văn hóa đang từ vị trí số 1 đã xuống vị trí thứ 3.
Tiến sĩ Lã Trọng Long băn khoăn: Văn hóa xã hội thành phố đang có nhiều điều trăn trở: nhiều vụ án lớn liên quan đến người dân Hải Phòng, đạo đức sa sút của một bộ phận người dân, nhất là giới thanh niên, cổ động viên bóng đá Hải Phòng đi đến đâu mang tiếng xấu đến đấy…thực trạng đó đã ảnh hưởng không tốt, tạo ấn tượng xấu về hình ảnh người dân thành phố Cảng trong cách nhìn nhận của nhân dân cả nước. “Tại sao tình hình như thế chúng ta lại chuyển vị trí số 1 của văn hóa xuống vị trí thứ 3”. “Tiến sĩ Lã Trọng Long cho rằng, Dự thảo Báo cáo chính trị vẫn thể hiện“coi nhẹ” vấn đề phát triển văn hóa. Nội dung chất lượng cuộc sống nhân dân chưa được đề cập, trong khi vấn đề đầu tư cho con người, vấn đề bảo đảm quyền hưởng thụ vật chất, tinh thần của người dân xuất hiện những yếu tố tiêu cực. Còn Chủ tịch Hội Điện ảnh Hải Phòng Nguyễn Long Khánh chưa thực sự đồng ý với nội dung đánh giá về những hạn chế về văn hóa xã hội trong Dự thảo Váo cáo chính trị. Dự thảo đánh giá: “Còn ít công trình văn hóa, tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm với truyền thống và vị thế thành phố”. Theo ông Nguyễn Long Khánh, đánh giá như vậy là chưa thỏa đáng: “Các tổ chức hội ít khi được lãnh đạo thành phố quan tâm, chia sẻ. Nguồn đầu tư cho văn hóa có hạn. Thế thì lấy đâu ra những tác phẩm xứng tầm”. Không phải chúng ta thiếu người tài, thành phố Cảng thời nào cũng có người tài. Nhưng đầu tư thế nào thì sẽ được kết quả tương xứng, “Khi chưa thực sự coi trọng văn hóa, đầu tư xứng tầm cho văn hóa” thì không thể chỉ đánh giá 1 câu “chưa xứng tầm” là đủ”../.
Việt Anh