Sẽ triển khai vào thời gian phù hợp
Thực hiện Thông báo số 616/TB-BTC của Bộ Tài chính về việc phân công triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo tạm dừng, hoãn các cuộc kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đã có trong kế hoạch năm 2021 (bao gồm KTSTQ đánh giá tuân thủ và KTSTQ theo dấu hiệu rủi ro); tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải thực hiện công tác KTSTQ, đơn vị đề xuất kiểm tra phải nêu rõ dấu hiệu vi phạm và được sự phê duyệt của cấp lãnh đạo có thẩm quyền. Trong quá trình tiến hành kiểm tra, Đoàn kiểm tra phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Nghiêm cấm cán bộ công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ.
Trong giai đoạn hiện nay, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung, tăng cường hoạt động nghiên cứu các quy định pháp luật; đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin để phát hiện dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro, chuẩn bị kỹ kế hoạch kiểm tra khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Thời gian qua, nhằm triển khai thực hiện quy định liên quan đến điều tra, khởi tố hình sự trong công tác KTSTQ, Cục KTSTQ đã chủ động, tích cực chuẩn bị một lộ trình đồng bộ, tập trung xây dựng nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ này. Cục đang phát huy vai trò trong điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự, đặc biệt là vấn đề giả mạo xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.
Tăng thu ngân sách hơn 490 tỷ từ KTSTQ
Quý 3, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong công tác quản lý, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai hiệu quả các chuyên đề, các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác KTSTQ.
Điển hình là thực hiện chuyên đề kiểm tra đối với hạt điều, bước đầu phát hiện 2 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều xuất khẩu; 4 doanh nghiệp không có trụ sở, không còn hoạt động sản xuất tại địa điểm đăng ký kinh doanh, có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa.
Cụ thể, vụ việc nghi vấn gian lận xuất xứ trong nhập khẩu điều quy mô lớn từ Campuchia mới đây đã thu hút sự quan lớn của dư luận. Để điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đồng loạt vào cuộc, trong đó Cục KTSTQ giữ vai trò chủ công.
Và trong tháng 6/2021, tranh thủ thời điểm chưa giãn cách xã hội trên diện rộng, Cục KTSTQ đã ban hành 20 quyết định kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm tại tỉnh Bình Phước- “thủ phủ” về trồng, nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu điều của Việt Nam. Đầu tháng 9, đơn vị bước đầu có kết luận với 18 cuộc kiểm tra và chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm liên quan đến nhập khẩu hạt điều.
Hiện đã chuyển thông tin theo nguồn tin tố giác tội phạm đến Công an tỉnh Bình Phước để tiếp tục làm rõ dấu hiệu vi phạm; 1 doanh nghiệp đang trong quá trình trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét các dấu hiệu vi phạm để tiến hành khởi tố.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan địa phương rà soát tổng thể hoạt động xuất nhập khẩu hạt điều; giao một số Cục Hải quan địa phương tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 34 doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển danh sách 280 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để các cục hải quan địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định. Cùng với đó, lực lượng KTSTQ còn làm rõ dấu hiệu nghi vấn của các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm từ đá quý, kim loại quý.
Trong quá trình thu thập thông tin, lực lượng KTSTQ phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên khó khăn trong triển khai kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan.
Tuy nhiên, theo cập nhật của Tổng cục Hải quan, kết quả trong quý 3, toàn ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 422 cuộc, trong đó có 110 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 312 cuộc tại trụ sở Cơ quan Hải quan. Tính đến hết 3 quý đầu năm, toàn ngành thực hiện 1.307 cuộc kiểm tra sau thông quan, trong đó có 341 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 966 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan.
Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính quý 3 là 58,79 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước số tiền là 93,69 tỷ đồng (cả số thu từ các cuộc kiểm tra trước đó). Tính chung 3 quý đầu năm, tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 545,30 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước số tiền là 491,78 tỷ đồng.