Tấm bia ’di ngôn’ không phải cho người Việt

“Ta rằng hỡi ôi! Số người thác ở đây trăm đời sau vẫn là ma khách. Nay các ngươi đều được về đây, thi thể các ngươi thoát khỏi cảnh ngâm thây đáy nước, dãi nắng bãi cỏ hoang, ăn gió uống sương hồn phách chập chờn như đom đóm...”.

“Ta rằng hỡi ôi! Số người thác ở đây trăm đời sau vẫn là ma khách. Nay các ngươi đều được về đây, thi thể các ngươi thoát khỏi cảnh ngâm thây đáy nước, dãi nắng bãi cỏ hoang, ăn gió uống sương hồn phách chập chờn như đom đóm...”.

Đây là những chữ được khắc trên tấm bia dựng tại cánh đồng Tốt Động, nơi diễn ra trận huyết chiến lịch sử giữa nghĩa quân Lam Sơn và giặc Minh, địa danh sáng chói trong Đại cáo bình ngô:

“Ninh Kiều máu chảy thành sông tanh trôi vạn dặm

Tốt Động thây chất đầy nội nhơ để ngàn năm…”

Tấm bia "di ngôn" trên cánh đồng làng Tốt Động.
Tấm bia "di ngôn" trên cánh đồng làng Tốt Động.

Quá khứ

Mùa Đông năm Bính Ngọ - 1426, nghĩa quân Lam Sơn với những cuộc vây thành bức hàng khiến quân Minh lâm vào thế chia cắt bị động không ứng cứu cho nhau được. Tháng Mười, vua Minh phong cho Thái tử Hoài vương hầu Vương Thông chức Chinh Di tướng quân, mang 5 vạn quân và 5 ngàn ngựa cùng Thượng thư Bộ binh Trần Hiệp và Tham tướng Mã Anh sang ứng cứu. Khi đến Đông Quan, Vương Thông lập tức cách chức một loạt tướng cũ, thành lập bộ chỉ huy mới, cùng với Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính, Trần Hiệp, Lý Lượng... tổ chức một cuộc hành quân bão táp với 15 vạn người, “dài đến mười dặm, mũ giáp lòa trời, cờ tàn rợp nội, tự cho là đánh một trận có thể quét sạch quân ta”- (Lam Sơn thực lục).

Vương Thông chia quân làm hai mũi tiến công. Mũi chính với 10 vạn quân do đích thân Vương Thông chỉ huy, hành quân từ Đông Quan qua Tốt Động, vòng lên đánh úp bản doanh nghĩa quân Lam Sơn đang náu trên vùng Cao Bộ (thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Tây). Hiệu lệnh hiệp đồng là “khi nào có súng hiệu là hai bên đánh thế gọng kìm vào quân ta”- (Việt sử toàn thư). Lúc này Lê Lợi và đại quân vẫn đóng trong Thanh Hóa. Những đội quân tham gia bức thành Đông Quan và chia cắt các phủ lộ chỉ có vài ngàn người do các tướng Nguyễn Xí, Lý Triện, Lê Lễ, Lê Ngân... chỉ huy. Đoán được âm mưu của giặc, nghĩa quân Lam Sơn đã bố trí tại Tốt Động một trận địa phục kích.

Tốt Động cách Hà Nội 25km về phía Tây Nam. Thời đó nơi đây là một đầm lầy ngập tràn lau lách. Nghĩa quân Lam Sơn tham gia trận đánh chỉ chưa đầy 3.000 người và 2 thớt voi chiến, xét về tương quan lực lượng thì thua xa quân của Vương Thông. Nhưng, nhờ khôn khéo chọn địa hình có lợi và bố trí lực lượng hợp lý, đặc biệt đã biết dùng kế nghi binh (cho bắn súng hiệu giả lừa Vương Thông tiến quân sớm hơn kế hoạch), nên nghĩa quân Lam Sơn đã có một trận đánh ngoạn mục.

Đạo quân của Vương Thông hùng hổ tiến quân. Nhưng con đường duy nhất đi qua Tốt Động quá nhỏ hẹp, một bên là những gò cao, một bên là đầm lầy. Đạo binh của Vương Thông đang ào ào như thác lũ bắt buộc phải “bóp thắt” theo dạng cổ chai, đội hình hành quân kéo dài hàng chục dặm từ Ninh Kiều (một địa điểm trên sông Đáy thuộc xã Mai Lĩnh ngày nay) đến Tốt Động.

Tại quyết chiến điểm, khi một tiếng súng lệnh nổ vang, voi chiến cùng nghĩa quân Lam Sơn hò nhau xông ra. Quân giặc bị bất ngờ, “cả người và ngựa lồng lên hoảng sợ nhảy xuống đầm lầy, giày xéo lên nhau chết chìm không biết bao nhiêu mà kể”. Tiền quân tan vỡ, hậu quân dồn lên ứng cứu, và cứ thế hết lớp này đến lớp khác, cánh đồng Tốt Động trở thành mồ chôn xác giặc Minh. Trận chiến diễn ra từ giờ Ngọ đến giờ Thân. 5 vạn quân giặc bị chết tại chỗ, 1 vạn bị bắt sống. Thượng thư Trần Hiệp và nội quan Lý Lượng bị chém đầu. Vương Thông bị trọng thương phải bỏ chạy về Đông Quan đóng cửa thành viết thư cầu viện binh.

Trận Tốt Động có ý nghĩa chiến lược, buộc nhà Minh phải điều Liễu Thăng và Mộc Thạnh mang 12 vạn quân sang cứu nguy, để rồi cả hai đạo quân này đều bị đánh bại trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang nổi tiếng năm 1427, khiến Vương Thông không còn đường nào khác phải chấp nhận đầu hàng.

Theo truyền thuyết, xác giặc Minh nổi trên đồng nhiều không kể xiết, cá trê ăn xác giặc nên sinh sôi nhiều vô kể. Dân làng liền đặt tên là đồng Trê. Nơi nhân dân Tốt Động mang gạo ủng hộ nghĩa quân thì đặt tên đồng Gạo. Vài năm sau khi giành độc lập, vua Lê Thái Tổ đã xuống chiếu cho làng Tốt Động thu nhặt hài cốt giặc Minh chôn vào 300 ngôi đại mộ, hàng năm cúng tế đàng hoàng. Đến năm Bính Dần - 1866, vua Tự Đức ra chiếu cho làng Tốt Động làm “việc nghĩa chủng”, quy tụ hài cốt về một đại mộ, xây bó đá ong và đặt tên nơi đó là đồng Mồ. Trên đồng Mồ đặt tấm bia đá “di ngôn”, do cử nhân Bộ lại Đặng Tĩnh Trai thừa soạn.

Hiện tại

Làng Tốt Động có một cái lễ đặc biệt. Vào ngày 24 tháng Chạp hàng năm, dân làng mang cơm cháo rượu thịt... lên đồng Mồ và đọc bài văn cúng “ma khách”:

“Hỡi ơi các vong hồn! Vua ta có lòng nhân nghĩa, ra sắc chỉ cho thu nhặt hài cốt, xây mồ. Vì không nơi nương tựa, các ngươi hãy nhớ ngày này trở về đây mà hưởng tết. Lòng thành lễ mọn, các ngươi cùng hưởng, không phải e lệ chi…”.

Trong khi thầy cúng đọc, trẻ em chăn trâu trên đồng sẽ đóng vai những “ma khách” đói khát chầu chực quanh chiếu lễ vật chỉ chờ thầy cúng đọc đến câu “ô hô cẩn cốc” là tranh nhau cướp. Bởi thế lễ này mang tên Cướp cháo cầu. Tục cướp cháo cầu tại “bia di ngôn” vẫn còn được duy trì đến tận ngày hôm nay.

Theo

logoDatViet.jpg

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.