Khaama Press đưa tin, vụ nổ được cho là do ba kẻ đánh bom liều chết thực hiện. Chúng đã bắn các nhân viên an ninh của nhà thờ Hồi giáo và sau đó tiến vào để kích nổ trong người. Tất cả những người tham gia buổi lễ tại nhà thờ khi vụ nổ xảy ra được cho là người Hồi giáo dòng Shi'ite.
Một quan chức y tế tại bệnh viện Mirwais của Kandahar nói với Reuters rằng họ đã xác nhận có 35 người chết và đang điều trị cho 68 người bị thương.
Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ nổ. Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid đã lên án vụ tấn công "là một tội ác ghê tởm" và cho biết, Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan chia buồn với tất cả gia đình các nạn nhân. Đồng thời lực lượng an ninh đã được lệnh xác định và đưa những thủ phạm ra trước công lý theo luật Hồi giáo.
Trong khi đó, Liên hợp quốc trong một bài đăng trên Twitter đã lên án vụ tấn công và yêu cầu đưa những thủ phạm ra trước công lý.
Đại sứ quán của Iran, nước láng giềng của Afghanistan và là cường quốc đông người Shi'ite nhất trong khu vực, đã lên án vụ tấn công và "hy vọng các nhà lãnh đạo Taliban có hành động dứt khoát chống lại những vụ khủng bố độc ác này".
Đưa nạn nhân vụ nổ lớn tại một nhà thờ Hồi giáo Shi'ite ở Kandahar đi cấp cứu. Ảnh: Reuters TV |
Theo Reuters, vụ nổ tại một nhà thờ Hồi giáo của người Hồi giáo dòng Shi'ite này xảy ra một tuần sau khi vụ nổ tương tự nhắm vào cùng một giáo phái của người Hồi giáo ở tỉnh Kunduz phía bắc. Cuộc tấn công do ISIS-K thực hiện đã gây thương vong cho hơn 150 người tham gia buổi lễ cầu nguyện.
Các cuộc tấn công đã gây sốc và kinh hoàng cho các thành viên thiểu số Shi'ite của Afghanistan và làm suy yếu tuyên bố của phong trào Taliban là đã khôi phục an ninh kể từ khi nắm quyền kiểm soát đất nước vào tháng 8.
Các chiến binh Hồi giáo dòng Sunni của Nhà nước Hồi giáo (ISIS) đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào người Shi'ite trong quá khứ với các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm giết thường dân, trong đó có một cuộc tấn công giết chết hàng loạt nữ sinh ở một quận nơi người Shi'ite sinh sống tại Kabul vào tháng 5 năm ngoái.
Taliban cũng là những người Hồi giáo dòng Sunni nghiêm khắc nhưng coi ISIS là kẻ thù của họ và đã cam kết bảo vệ tất cả các nhóm sắc tộc và giáo phái kể từ khi nắm quyền vào tháng 8 khi lực lượng Mỹ rút đi. Tuy nhiên, các quan chức Taliban đã hạ thấp mối đe dọa từ ISIS và bác bỏ những đề xuất rằng họ có thể chấp nhận sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để chống lại nhóm này.
Việc dân tộc thiểu số Shi'ite bị nhắm mục tiêu cũng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa các nhóm sắc tộc và giáo phái trong nước, phần lớn là người Hồi giáo dòng Sunni nhưng đa dạng về sắc tộc.
Hầu hết người Shi'ite ở Afghanistan thuộc nhóm dân tộc Hazara nói tiếng Ba Tư, những người đã phàn nàn về sự đàn áp của Taliban chủ yếu nói tiếng Pashtun trong quá khứ.