Tài trợ cho một tương lai xanh

Châu Âu tích cực đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và thị trường carbon. (Ảnh: Reuters)
Châu Âu tích cực đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và thị trường carbon. (Ảnh: Reuters)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh toàn cầu đẩy mạnh nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, tín chỉ carbon trở thành một công cụ quan trọng để thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường này cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự tham gia tích cực từ các bên liên quan, đặc biệt là các ngân hàng với vai trò cầu nối, hỗ trợ và đầu tư vào các dự án liên quan đến tín chỉ carbon.

Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đạt kỷ lục

Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đã và đang phát triển mạnh mẽ kể từ khi được khởi xướng theo Nghị định thư Kyoto vào năm 1997. Hiện nay, trên thế giới, có hai loại thị trường giao dịch tín chỉ carbon chính là thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện.

Thị trường carbon bắt buộc là nơi mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính.

Thị trường carbon tự nguyện là nơi dựa trên sự hợp tác thỏa thuận một cách song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Theo đó, các quốc gia có thể mua bán quyền phát thải khí nhà kính để đáp ứng các mục tiêu cam kết về giảm phát thải. Đây là một bước đi quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.

Trong những năm gần đây, toàn thế giới liên tục đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, như khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng kinh tế,… Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, cùng với các biến động địa chính trị, đã khiến giá năng lượng leo thang, ảnh hưởng đến nền kinh tế của nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng môi trường bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan, suy thoái rừng, ô nhiễm không khí,… đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng với các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh này, tín chỉ carbon trở thành một công cụ quan trọng để thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững, giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống như dầu mỏ và khí đốt.

Đồng thời, giá trị của tín chỉ carbon đã tăng lên đáng kể khi các quốc gia và doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính để đối phó với biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của Carbon Pricing Leadership Coalition (CPLC), giá trị trung bình của tín chỉ carbon trên thị trường toàn cầu có xu hướng tăng mạnh qua các năm. Sự gia tăng này phản ánh nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp và quốc gia trong việc mua bán tín chỉ carbon.

Thị trường tín chỉ carbon trên thế giới đang rất sôi động, với hai thị trường lớn nhất là châu Âu và Mỹ. Ở châu Âu, thị trường giao dịch tín chỉ carbon đã chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên thị trường châu Âu và chiếm 3/4 thị trường trên toàn cầu.

Ở châu Á, Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu trong việc hình thành thị trường tín chỉ carbon. Quốc gia tỉ dân này đã chính thức đưa thị trường giao dịch tín chỉ carbon vào hoạt động từ ngày 16/07/2021, nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Đáng nói, việc áp dụng các chính sách khuyến khích năng lượng sạch và phát triển thị trường tín chỉ carbon đã góp phần quan trọng trong việc giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, và Trung Quốc đã tiên phong trong việc thiết lập các hệ thống giao dịch carbon, kèm theo đó là các chính sách hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon.

Chẳng hạn, EU đã phát triển Hệ thống Giao dịch Phát thải (ETS) từ năm 2005, trở thành thị trường tín chỉ carbon lớn nhất thế giới với sự tham gia của hơn 11.000 doanh nghiệp. Hệ thống này không chỉ giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra một mô hình mẫu mực cho các quốc gia khác noi theo.

Bên cạnh đó, việc EU áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) đã tạo ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp trong khối. CBAM yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu từ các ngành công nghiệp có phát thải cao phải chịu mức giá carbon tương ứng, nhằm duy trì tính cạnh tranh và giảm phát thải trong các ngành công nghiệp như thép, xi măng và năng lượng.

Thị trường tín chỉ carbon đã thu hút được sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ. Theo báo cáo của Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG), giá trị thị trường giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu đạt mức kỷ lục trong năm 2023 là 881 tỷ euro (tương đương 948,75 tỷ USD).

Nhiều quốc gia và khu vực đã triển khai các hệ thống giao dịch phát thải (ETS) nhằm định giá cho lượng phát thải CO2 và khuyến khích các công ty đầu tư vào công nghệ phát thải thấp để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Khoảng 12,5 tỷ tấn giấy phép phát thải carbon đã được giao dịch trên các thị trường phát thải toàn cầu, tương đương với năm 2022, nhưng giá kỷ lục tại một số thị trường như châu Âu và Bắc Mỹ đã đẩy giá trị tổng thể lên cao hơn.

Trước một thị trường đầy cơ hội, nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Singapore, đang tích cực xây dựng các khuôn khổ pháp lý để tích hợp tín chỉ carbon vào chính sách giá carbon quốc gia, với mục tiêu sớm gia nhập vào thị trường carbon toàn cầu.

Tận dụng cầu nối tài chính quốc tế

Các ngân hàng, với vai trò là cầu nối tài chính, đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các dự án giảm phát thải carbon. Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng không chỉ đơn thuần là nhà cung cấp vốn, mà còn là nhân tố dẫn dắt, định hướng các doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án giảm phát thải carbon tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường.

Với sự tham gia tích cực của các ngân hàng, các doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi có thể tận dụng cơ hội này để đầu tư vào công nghệ sạch, cải thiện quy trình sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Các ngân hàng lớn trên thế giới đã chủ động tham gia vào thị trường tín chỉ carbon thông qua nhiều sáng kiến và cam kết tài chính. Đơn cử, HSBC cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo và giảm phát thải trong vòng 5 năm tới. Ngân hàng này cũng là một trong những tổ chức tài chính đầu tiên tham gia vào các thị trường tín chỉ carbon, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập và thúc đẩy các giao dịch tín chỉ carbon trên toàn cầu.

Mặt khác, ngân hàng Standard Chartered đã cam kết sẽ giảm phát thải khí nhà kính xuống mức “0” vào năm 2050, đồng thời điều chỉnh danh mục đầu tư của mình để đạt được mục tiêu này. Ngân hàng đã cung cấp các khoản vay ưu đãi và các dịch vụ tài chính khác cho các dự án năng lượng tái tạo và giảm phát thải ở các thị trường mới nổi.

Goldman Sachs đã tham gia mạnh mẽ vào thị trường tín chỉ carbon thông qua việc đầu tư vào các quỹ tín chỉ carbon và hỗ trợ các công ty giảm thiểu tác động môi trường. Ngân hàng này đã cam kết đầu tư hơn 750 tỷ USD vào các dự án và công nghệ xanh trong thập kỷ tới, trong đó tín chỉ carbon là một phần quan trọng của chiến lược.

Tại Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển carbon thấp.

Sự tham gia của các ngân hàng vào thị trường tín chỉ carbon không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp và quốc gia giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra xu hướng mới trong ngành tài chính toàn cầu. Các ngân hàng đang dần trở thành những người dẫn dắt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, không chỉ qua việc cung cấp vốn mà còn thông qua việc định hướng các chiến lược đầu tư và phát triển bền vững.

Theo đó, các ngân hàng đang “chạy đua” để phát triển các sản phẩm tài chính mới để hỗ trợ thị trường tín chỉ carbon, như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo, các khoản vay ưu đãi cho các dự án có tác động môi trường tích cực…. Những sản phẩm này không chỉ giúp ngân hàng đa dạng hóa danh mục đầu tư mà còn tạo ra lợi ích kinh tế dài hạn từ việc giảm thiểu rủi ro pháp lý và môi trường.

Ngoài ra, các ngân hàng còn đóng vai trò tư vấn cho các doanh nghiệp về cách thức tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, từ việc đo lường và báo cáo phát thải đến việc mua bán tín chỉ trên các sàn giao dịch quốc tế. Sự hỗ trợ này giúp doanh nghiệp tiếp cận được các thị trường khắt khe về môi trường như EU, khi họ bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt bậc nhất.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.