Đường xuống cấp, không có con lươn ranh giới làn đường, vướng quy định… là những nguyên nhân hiện hữu được cơ quan chức năng (CQCN) nhận ra, nhưng chưa có cách giải quyết.
“Điểm đen” TNGT
Cho đến nay, không chỉ vụ tai nạn xe rước dâu biển số Thừa Thiên - Huế mới ám ảnh bà con ở Điện Bàn. Lý do, khu vực đường tránh tại Km 950+800 trên tuyến quốc lộ 1 thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn thương tâm.
Điểm lại trong hồ sơ của Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Quảng Nam, ngày 15/7, chị Trần Thị Hương Giang (30 tuổi, ngụ thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) lái xe máy chở con gái (5 tuổi) lưu thông đến địa điểm trên đã va chạm với xe khách giường nằm BKS 65B-010.22, do tài xế Nguyễn Linh Lăng (50 tuổi; ngụ tỉnh Vĩnh Long) điều khiển. Vụ tai nạn làm hai mẹ con chị Giang tử vong.
Một vụ tai nạn thương tâm khác xảy ra vào chiều 24/4, cũng trên tuyến đường tránh này, khiến 1 người chết, 1 người bị thương. Thời điểm trên, xe đầu kéo container BKS 51LD-059.50 lưu thông hướng nam - bắc tông trực diện xe khách mang BKS 43B-010.95 chạy hướng ngược lại. Cú va chạm làm tài xế xe khách tử vong, còn phụ xe bị thương nặng. Ngoài ra, tại vị trí nêu trên, năm 2013 từng xảy ra vụ lật xe khách Mai Linh khiến 3 người chết, 30 người bị thương phải nhập viện.
Anh Nguyễn Hữu Thành, tài xế điều khiển xe đầu kéo container trong vụ tai nạn thảm khốc hôm 30/7 cho biết, đã hơn 10 năm làm tài xế đường dài, vượt qua hàng vạn con đường quanh co hiểm trở, nhưng không đâu sợ bằng khi đi qua địa phận Quảng Nam. Cánh lái xe đường dài như anh ai cũng biết cả. Và vụ nạn ngày 30/7 đã minh chứng vì địa phương này có nhiều “điểm đen” nguy cơ xảy ra va chạm giữa các phương tiện với nhau.
Ngoài tuyến tránh Vĩnh Điện, đi thêm một đoạn nữa sẽ vào đường tránh Bà Rén (khu vực nối giữa huyện Duy Xuyên và Quế Sơn của Quảng Nam) cũng rất hẹp và quanh co hình chữ S. CSGT địa phương cũng ghi nhận loạt vụ tai nạn do nhiều điểm của đoạn đường này có độ dốc lớn, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông. Tiếp đến có đường tránh Tam Kỳ (Quảng Nam) dài hơn 5 km giao nhau với đường sắt cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đâu là nguyên nhân?
Ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, đường tránh Vĩnh Điện dài khoảng 8km, được xây dựng cách đây khoảng 20 năm. Mỗi lần đường hư hỏng, các cơ quan chức năng chỉ sửa chữa, thảm nhựa trở lại chứ chưa được nâng cấp, mở rộng. Lý do, Bộ GTVT chỉ cho phép mở rộng những tuyến đầu tư theo hình thức BOT, còn những tuyến đường tránh không được chấp thuận vì cho rằng lưu lượng xe đã được san bớt ở tuyến nội thị.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Phan Thanh Hồng, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Nam, khu vực xảy ra vụ tai nạn thảm khốc ngày 30/7 đường nhỏ, mỗi bên chỉ có một làn. Vào giờ cao điểm, lượng ôtô, xe tải và các phương tiện cá nhân của người dân 2 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam lưu thông lớn. Tuyến đường qua thị trấn Vĩnh Điện có cầu Câu Lâu đã cũ và yếu, giới hạn tải trọng, nên các phương tiện trọng tải nặng đều lưu thông ở đường tránh.
Đáng nói, đoạn đường xảy ra tai nạn không có con lươn nên gây khó khăn cho các tài xế. Phòng CSGT đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng về việc nâng cấp, mở rộng để giảm thiểu tai nạn nhưng chưa thấy có ý kiến trả lời. Thượng tá Hồng nhận định, nguyên nhân tai nạn ngày 30/7có thể do tài xế không thuộc địa hình và ngủ gật.
Lý giải vì sao không đặt con lươn ở giữa, ông Lê Văn Sinh thông tin, do đường chỉ có 2 làn xe nên không thể đặt dãy phân cách. Hơn nữa, đây là tuyến đường của Bộ GTVT quản lý, địa phương không thể tự ý làm theo nhận định giao thông địa phương.
Ông Sinh cho biết, từ năm 2013-2014, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1, đoạn tuyến đường tránh thuộc địa phận thị xã Điện Bàn nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Sắp tới, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể làm việc với Quảng Nam, Sở GTVT sẽ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất Bộ nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tránh bị xuống cấp.