Cần thoái hơn 622 tỷ đồng
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa báo cáo Thủ tướng về thực hiện kết quả sau thanh tra tại Petrolimex. Theo TTCP, đến nay Petrolimex chưa thực hiện xong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong tổng số vốn 622.360 triệu đồng cần phải thoái, Petrolimex mới chỉ thực hiện được con số khiêm tốn 139.717 triệu đồng.
Trước đó, kết luận TTCP công bố năm 2016 cho biết, Công ty mẹ Petrolimex đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính (ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản) với tổng số tiền 2.255,6 tỷ đồng, trong đó nhiều khoản đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định. Cụ thể, tăng vốn đầu tư 51 tỷ đồng vào CTCP Bất động sản Petrolimex mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương; sử dụng vốn kinh doanh 231,9 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, không đúng với Nghị quyết của HĐQT.
Petrolimex còn ủy thác cho các đơn vị thành viên vay dài hạn để đầu tư xây dựng các công trình, dự án 414,6 tỷ đồng từ vốn chiếm dụng trong thanh toán, chưa bố trí được nguồn vốn cho đầu tư xây dựng. Một số khoản đầu tư của Công ty mẹ hiệu quả thấp: Đầu tư 178,5 tỷ đồng vào CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex và Bất động sản Petrolimex kém hiệu quả; đầu tư 38,8 tỷ đồng vào CTCP Thương mại Tuyên Quang, Cty TNHH Hóa chất PTN và CTCP Đầu tư và Phát triển Vân Phong từ năm 2010 đến thời điểm thanh tra không có cổ tức…
Theo TTCP, sau kết luận thanh tra, Petrolimex phải thoái vốn tại PGBank, bất động sản PLand và bảo hiểm PJICO. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện rất chậm. Cụ thể, Petrolimex mới ì ạch thoái được 51 tỷ đồng trong bất động sản, giảm 10% tỷ lệ vốn trọng bảo hiểm; còn trong đầu tư vào PGBank, đơn vị này chưa thoái được đồng vốn nào.
Trong các khoản đầu tư ngoài ngành mà Chính phủ yêu cầu Petrolimex buộc phải thoái, dư luận quan tâm hơn cả đến khoản đầu tư 1.200 tỷ đồng mà Tập đoàn này đầu tư vào PGBank.
Uẩn khúc gì khiến Petrolimex chậm thoái vốn ?
Theo tìm hiểu, từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013, Petrolimex đầu tư ngoài ngành vào PGBank trái quy định khi tăng thêm 400 tỷ đồng vào PGBank, nâng tổng số tiền đã đầu tư vào ngân hàng này lên con số 1.200 tỷ đồng. Thời điểm đó, PGBank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Như vậy, vốn Petrolimex chiếm 40% vốn PGBank, vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng (khi đó, tối đa chỉ được đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng 20%. Quy định mới nhất là 15%).
Điều đáng nói, thời điểm Petrolimex đầu tư vào PGBank thì ông Bùi Ngọc Bảo là Chủ tịch kiêm TGĐ Petrolimex. Sau khi đầu tư vào ngân hàng với số vốn chi phối, từ năm 2011 đến nay, ông Bùi Ngọc Bảo là Chủ tịch PGBank. Còn tại Petrolimex, ông Bảo là Chủ tịch vừa có quyết định nghỉ hưu. Như vậy có thể thấy, vai trò của ông Bùi Ngọc Bảo là rất quan trọng trong việc Petrolimex đầu tư ngoài ngành sai quy định vào PGBank và cũng là nhân vật quan trọng chi phối việc tại sao Petrolimex chậm chạp trong thoái vốn khỏi PGBank.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Petrolimex lại chậm thoái vốn khỏi PGBank? Theo đánh giá, có thể do những người như ông Bùi Ngọc Bảo sợ đi vào “vết xe đổ” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi đầu tư ngoài ngành vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và để mất vốn Nhà nước. Khi đó, chuyện không còn là yếu tố dân sự nữa mà là hình sự.
Đó có thể là lý do khiến Petrolimex loay hoay mãi không thoái vốn được khỏi PGBank. Trước đây, PGBank muốn sáp nhập vào ViettinBank nhưng bất thành do Ngân hàng Nhà nước không đồng ý mức quy đổi cổ phiếu. Mới đây, rộ lên tin PGBank muốn sáp nhập với HDBank. Tuy nhiên, đến nay chưa có kết quả. Những động thái này cho thấy Petrolimex không muốn thoái vốn khỏi PGBank mà tìm cách sáp nhập với những ngân hàng có vốn điều lệ lớn, để làm sao 1.200 tỷ của Petrolimex không vượt quá 15% vốn điều lệ của ngân hàng, tức là không còn vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng. Liệu nước đi “cao tay” này của ông Bùi Ngọc Bảo có thành công?
Tuy nhiên, việc sáp nhập cũng chưa chắc đã bảo toàn được vốn Nhà nước nếu tỷ lệ quy đổi cổ phiếu bất lợi cho PGBank. Từ những “uẩn khúc” này, có thể giải thích tại sao Petrolimex lại “chống lệnh” Chính phủ, chậm chạp trong việc thoái vốn Nhà nước. Mới đây, TTCP tiếp tục hối thúc Petrolimex khẩn trương trong việc thoái vốn. Tuy nhiên, PGBank chưa có động thái gì rõ rệt ngoài việc bị động nằm chờ sáp nhập.