Chính sách phù hợp để giảm áp lực giao thông
Theo đề xuất của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng của tuyến buýt nhanh BRT01 (bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã) từ 4h đến 23h hàng ngày. Các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h ngày hôm sau.
Ngoài ra, để giảm khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển của BRT với xe buýt thường, cải thiện hạ tầng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn tiếp cận nhà chờ BRT, 10 điểm dừng xe buýt thường được đề nghị di chuyển đến vị trí mới.
Trung tâm cũng đề nghị tiếp tục bố trí dải phân cách cứng giữa làn BRT và làn đường giao thông chung, để hạn chế tình trạng phương tiện khác đi lấn vào làn đường BRT, đảm bảo điều kiện vận hành của tuyến...
Khách quan nhìn nhận, việc đề xuất cho các phương tiện giao thông, nhất là xe buýt thường chạy vào làn đường BRT vào một số khung giờ nhất định không phải là quá mới bởi mục đích chung nhất của các phương án vẫn là khai thác làm sao có hiệu quả nhất tuyến đường BRT.
Cụ thể, tại Hội thảo về các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến 2030 diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm tới vấn đề phát triển xe buýt nhanh BRT. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, với tuyến BRT, mặc dù có quy định rõ ràng về làn đường ưu tiên, các phương tiện khác không được phép lấn vào nhưng tình trạng xe BRT bị “xâm lấn” đường vẫn xảy ra. Điều này cho thấy, cần có một sự điều chỉnh linh hoạt để làm sao BRT phát huy hiệu quả cao nhất.
Người dân cần nâng cao ý thức
Theo số liệu thống kê, hiện toàn TP Hà Nội có khoảng hơn 5 triệu xe môtô, gắn máy; gần 550.000 ô tô các loại và hơn 1 triệu xe đạp. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2015, số xe mô tô, gắn máy tăng 7,66%, phương tiện ô tô tăng 12,9%. Số lượng phương tiện cá nhân ở Hà Nội tăng với tốc độ chóng mặt tạo ra sức ép lớn cho giao thông đô thị, nhất là trong bối cảnh hệ thống giao thông và kết cấu hạ tầng của Thủ đô phát triển chưa tương xứng.
Thực tế cho thấy, phương tiện cá nhân chỉ giữ một vai trò nhất định và sẽ dần được thay thế bởi các loại hình vận tải công cộng. Thế nhưng, theo tìm hiểu, hiện Hà Nội có 92 tuyến xe buýt được quản lý và khai thác ở 8 doanh nghiệp vận tải. Trong đó có 81 tuyến có trợ giá và 11 tuyến kinh doanh. Trong số 81 tuyến có trợ giá với khoảng 1.208 cơ cấu phương tiện thì phần lớn là các loại xe có sức chứa lớn và trung bình; số lượng xe buýt có sức chứa nhỏ chiếm tỷ lệ rất thấp, vào khoảng 4%. Điều này cho thấy, Hà Nội đã và đang chú trọng nắm bắt và phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng.
Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy là mức độ đáp ứng của hệ thống vận tải công cộng ở Hà Nội, mà cụ thể là hệ thống xe buýt vẫn còn ở mức chưa cao. Sự phát triển chóng mặt của phương tiện cá nhân đã và đang khiến cho sức ép lên hệ thống hạ tầng giao thông đô thị Thủ đô ngày càng lớn, khiến hiệu quả khai thác vận tải của xe buýt bị hạn chế rất nhiều.
Minh chứng dễ thấy nhất là tại các điểm ùn tắc, xe buýt BRT rất khó di chuyển do các phương tiện cá nhân khác chen lấn vượt lên. Ghi nhận thực tế vào giờ cao điểm, dọc tuyến xe xe buýt nhanh BRT, đoạn giao thông Tố Hữu-Lê Văn Lương, do mật độ phương tiện lưu thông cao nên hàng chục xe máy trên cả 2 chiều đường vẫn mặc nhiên lấn làn BRT. Việc các phương tiện tự ý rẽ vào làn đường dành riêng cho xe BRT khiến nguy cơ tai nạn giao thông tăng cao, gây cản trở lưu thông và thời gian về bến của buýt nhanh BRT.
Trở lại việc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) đề xuất TP Hà Nội cho phép xe buýt thường và các phương tiện khác dùng chung làn với xe BRT, đây là một trong những giải pháp tích cực góp phần tận dụng không gian đường để tránh lãng phí. Tuy nhiên, về lâu dài, để phát huy hiệu quả của giao thông công cộng nói chung và BRT nói riêng vẫn rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ người dân đến cơ quan chức năng. Nói cách khác, khi Hà Nội chính thức hạn chế xe cá nhân, buýt BRT cần là một phần của mạng lưới giao thông chứ không đứng đơn lẻ, và để BRT phát huy hiệu quả thì cần sự nhận thức và ủng hộ của người dân. Thông tin mới nhất về đề xuất này là Hà Nội chưa cho phép các phương tiện, trong đó có xe buýt thường sử dụng chung làn đường với buýt BRT vào một số khung giờ nhất định.