Trước đó khi ca bệnh là nhân viên tronng ngành hàng không sông ở địa bàn quận Long Biên có kết quả dương tính với Covid-19, Hà Nội cũng đã có thông tin trong cuộc họp Ban chỉ đạo. Các báo cũng nhanh chóng đưa thông tin, tự đánh số cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đến buổi chiều ngày hôm đó, ca bệnh này vẫn chưa được Bộ Y tế chính thức thông báo, dẫn đến hàng loạt tờ báo phải chỉnh sửa về số thứ tự của bệnh nhân.
Gần đây nhất, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội sáng 13/4: "Các bệnh nhân 259, 260 ở thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh đã được Hà Nội báo cáo Bộ Y tế từ chiều 11/4, lẽ ra Bộ nên công bố sáng 12/4 chứ không để đến chiều mới công bố".
Hay như chiều hôm qua (ngày 12/4), UBND huyện Mê Linh đã thông báo có thêm 4 ca nhiễm ở Hạ Lôi, nâng tổng số người bị nhiễm Covid-19 ở Hạ Lôi lên con số 10 tròn. Nhưng chiều ngày 12/4 chỉ có 2 ca mới nhiễm thêm được Bộ Y tế công bố, 2 ca còn lại đến sáng ngày 13 mới chính thức được "đánh số".
Một số quan điểm cho rằng việc giãn cách thông tin về ca nhiễm mới sẽ giúp người dân không hoang mang. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định việc sáng ra báo chí đưa tin không ghi nhận ca bệnh mới, dễ làm người dân chủ quan và ảnh hưởng đến giải pháp ngăn chặn. "Tôi nghĩ những gì địa phương đưa ra dựa trên cơ sở thực tiễn thì nên được tôn trọng", ông Chung nói.
Có ý kiến nêu "Hà Nội cứ tranh thông tin", nhưng theo ông Chung, Bộ Y tế đã cho phép thành phố xét nghiệm, khẳng định các trường hợp dương tính nCoV, như vậy kết quả Hà Nội báo cáo "nên được cập nhật và công bố ngay".
Trước đó, ngày 29/3, tại cuộc họp của Thường trực chính phủ với 5 tỉnh, thành về phòng, chống dịch, ông Nguyễn Đức Chung đã đề nghị cho Hà Nội công bố các ca dương tính mới.
"Khi Hà Nội được công bố, chủ tịch UBND phường ra quyết định cách ly các F1, F2, người dân sẽ thực hiện ngay, tránh tình trạng Bộ chưa công bố thì người dân chưa hợp tác như hiện nay", ông Chung nêu.