Thông báo giải tỏa tài sản thế chấp của Ngân hàng Công thương Việt Nam – Chi nhánh Đống Đa (Vietinbank Đống Đa) chỉ nói đến việc trả lại giấy tờ nhà là tài sản thế chấp, còn việc tiến hành bóc gỡ niêm phong trước đó, không được nhắc tới. Có nhà, nhưng người dân cũng chưa dám sử dụng vì không biết ai sẽ mở niêm phong cho mình…
Phản ánh với Pháp Luật Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Dung (ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên, Hà Nội), cho biết, ngày 10/6/2010, bà nhận được quyết định “giải tỏa việc kê biên tài sản” của Vietinbank Đống Đa đối với ngôi nhà số 287 (ngõ chợ Khâm Thiên, phường Phương Liên). Đây là tài sản mà bà Dung đã thế chấp vay vốn ngân hàng trước đó.
Ngôi nhà bị niêm phong của bà Dung |
Sau khi niêm phong, bà Dung nói rằng, ngân hàng đã “vô trách nhiệm” vì không bảo quản tài sản, không trông giữ, dẫn đến việc ngôi nhà bị cạy phá. Việc này, phía khách hàng cũng đã nhiều lần lên tiếng.
Theo biên bản kê biên tài sản (niêm phong nhà của chị Dung) có sự chứng kiến của liên ngành công an, viện kiểm sát, chính quyền địa phương, tổ dân phố … thì “đoàn không mở khóa vào nhà, không thu giữ bất kỳ thứ gì bên trong, chỉ tiến hành khóa ngoài và niêm phong (có dấu của Vietinbank Đống Đa)”, theo đó, sau khi niêm phong tài sản kể trên, “nhà 287 thuộc quyền quản lý của Vietinbank Đống Đa”, biên bản thể hiện.
Có mặt tại ngôi nhà 287, ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhiều hạng mục căn nhà đã mục nát, cửa vào ngôi nhà vẫn bị khóa, không còn thấy dấu niêm phong. Từ ngày vắng chủ, mặt tiền căn nhà cũng trở thành nơi buôn bán của tiểu thương…
Xác nhận của tổ dân phố cho thấy, đã nhiều năm nay, ngôi nhà trên đã bị cạy phá cửa, trở thành ổ tệ nạn xã hội về ban đêm mà tài sản phía trong đó sẽ không được bảo quản.
“Từ ngày có quyết định giải tỏa tài sản kê biên tài sản, ngân hàng đã thu hết nợ gốc và lãi, khi ra quyết định giải tỏa xong thì không đến gỡ niêm phong”, bà Dung, cho biết.
Ông Vũ Thế Dũng, Phó giám đốc Vietinbank Đống Đa khẳng định, thời điểm hiện nay không ai cấm bà Dung mở cửa ngôi nhà nói trên, bởi phía ngân hàng đã có quyết định giải tỏa niêm phong, “điều đó có giá trị như mở niêm phong”, ông Dũng, nói. Cũng theo ông Dũng, việc bảo quản tài sản ngôi nhà là do đơn vị thi hành án (THA) thực hiện, bởi trước đó việc tranh chấp được phán quyết bởi một phiên tòa có hiệu lực pháp lý.
Một luật sư cho biết, đối với trường hợp tài sản có quyết định THA thì cơ quan THA có quyền quản lý. Việc kê biên tài sản thể hiện ngôi nhà “thuộc quyền quản lý của ngân hàng” thì có thể hiểu tài sản đã thế chấp, ngân hàng chỉ nói là quản lý chứ chưa chắc chắn là sở hữu. Cơ quan THA quản lý tài sản này, nhưng cũng có thể THA ủy quyền để ngân hàng quản lý tài sản đó. Việc này phải xem xét có văn bản uỷ quyền về tài sản niêm phong không.
Về nguyên tắc, tài sản xuống cấp hoặc bị thất thoát thì ai được giao quản lý tài sản thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Người có tài sản bị niêm phong phải làm việc với cơ quan THA, hoặc việc cơ quan này ủy quyền cho ai mở niêm phong thì thì họ có trách nhiệm giải quyết.
Như Trang