Chấn chỉnh tiêu cực trong hoạt động đấu giá
Thực hiện Luật Đấu giá tài sản năm 2016, cho đến nay, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền 01 nghị định, 06 thông tư liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.
Để khắc phục, hạn chế, vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động đấu giá và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, trong đó đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu cụ thể đối với các bộ, ngành, UBND các địa phương trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản.
Thực hiện nhiệm vụ tại Chỉ thị số 40/CT-TTg, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện, chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, góp phần đảm bảo việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản được khách quan, minh bạch, có uy tín, kinh nghiệm, năng lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Trong thời gian qua, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức thành công nhiều cuộc đấu giá với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, thu ngân sách Nhà nước đạt hiệu quả cao. Theo số liệu thống kê thì từ tháng 01/2017 đến tháng 12/2019, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức 86.607 cuộc đấu giá thành với tổng giá khởi điểm hơn 194.755 tỷ đồng, tổng giá trị bán thành hơn 233.053 tỷ đồng, làm lợi cho người có tài sản, ngân sách Nhà nước hơn 38.185 tỷ đồng, nộp thuế cho ngân sách nhà nước gần 100 tỷ đồng.
Trụ sở Công ty Đường Dương (vụ án Đường "Nhuệ") tại thành phố Thái Bình. |
Tuy nhiên công tác đấu giá còn một số hạn chế như: Việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm tài sản để đấu giá còn chưa hợp lý, chênh lệch lớn so với giá thị trường, thậm chí kết quả định giá của các tổ chức thẩm định giá đối với cùng một tài sản tại cùng một thời điểm còn chênh lệch nhau nhiều, đặc biệt là giá đất.
Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn phổ biến, thậm chí tổ chức đấu giá có hành vi vi phạm pháp luật vẫn được lựa chọn; việc người có tài sản giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng” do đó, không kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Năng lực hoạt động của một số đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản còn hạn chế; còn có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, “cạnh tranh” không lành mạnh, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.
Tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản; hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp dưới sự “bảo kê” của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi “đe dọa, cưỡng ép” những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá tuy có giảm nhưng vẫn còn phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương.
Việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá trong một số trường hợp như đấu giá tài sản thi hành án còn gặp nhiều khó khăn.
Tiêu cực xảy ra tinh vi, phức tạp
Theo Bộ Tư pháp nguyên nhân của những hạn chế trên là do: Hoạt động đấu giá tài sản chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản, liên quan đến nhiều khâu, thuộc quyền quản lý của nhiều cơ quan bộ, ngành, địa phương. Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá do các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện trong khi các yếu tố tiên quyết quyết định thành công của cuộc đấu giá như thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, phê duyệt phương án đấu giá, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá… chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công…), thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau.
Tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công (đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%) nhưng chưa có đầu mối chung để xử lý như mô hình của một số nước phát triển, do đó, dễ dẫn đến nguy cơ trục lợi . Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được đưa ra bán thông qua đấu giá chưa đến 50 cuộc, chiếm rất ít (0,06%) so với số cuộc đấu giá tài sản bắt buộc.
Tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, “cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý nếu không có sự vào cuộc của cơ quan công an với các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành (giám định chữ ký, ghi âm, điều tra).
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của các chủ thể tham gia đấu giá; đội ngũ làm công tác thanh tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản còn “mỏng”, có nơi chỉ có 2-3 cán bộ nhưng phải xử lý nhiều mảng phức tạp, nhạy cảm, kinh nghiệm, kỹ năng thanh tra còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt động đấu giá tài sản còn chưa nghiêm; vai trò, trách nhiệm quản lý tài sản trong quá trình xử lý tài sản, nhất là đối với tài sản công của một số người có tài sản, cơ quan, tổ chức, địa phương chưa được quan tâm, nhận thức đúng và đầy đủ. Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản còn chưa thực hiện thường xuyên; việc xử lý các vi phạm trong hoạt động đấu giá đôi khi còn tình trạng “cả nể”, “nương tay”, tính răn đe chưa cao.