Với lợi thế hàng nghìn km bờ biển kéo dài, cùng với hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt chạy suốt từ Bắc chí Nam, Việt Nam có lợi thế to lớn khi phát triển du lịch và vận tải đường thủy. Và để kinh doanh hiệu quả thì yêu cầu đầu tiên và tiên quyết là an toàn. Nhưng thực tế người kinh doanh vận tải đường thủy muốn thực hiện an toàn lại không biết phải làm thế nào và bao giờ thì được thực hiện. Tại sao lại có hiện tượng bất thường này?.
Hình minh họa |
Đủ văn bản nhưng vẫn thiếu hướng dẫn
Trước thực trạng xảy ra những tai nạn đáng tiếc, thương tâm ở các địa phương như TP HCM, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Bắc bộ về vận tải và du lịch đường thủy (bao gồm cả đường sông và đường biển) Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Kế hoạch số 3614/KH-BVHTTDL ký ngày 27/10/2011 về việc “Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với nhân lực phục vụ du lịch trên tàu, thuyền, nhà hàng nổi phục vụ du lịch trên đường thủy”, điều này thể hiện tính trách nhiệm kịp thời về mặt quản lý Nhà nước của Bộ chủ quản.
Theo Cục Cảnh sát đường thủy, năm 2012, trên toàn quốc mặc dù tai nạn giao thông giảm mạnh, nhưng tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa vẫn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông. Các vi phạm phổ biến như phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không an toàn kỹ thuật; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, lấn chiếm luồng và hành lang ATGT… |
Sau đó, ngày 26/6/2012, Bộ VHTTDL lại tiếp tục ký một văn bản quan trọng nữa là Thông tư liên tịch số 22/2012 với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về “Quy định đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa”.
Những văn bản pháp quy này đã phần nào chấn chỉnh, thắt chặt quản lý công tác kinh doanh và vận tải phục vụ du lịch bằng đường thủy, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Kế hoạch đã có, Thông tư liên tịch đã được các địa phương triển khai, thế nhưng các đơn vị kinh doanh du lịch bằng đường thủy (bao gồm cả vận tải, lưu trú, nhà hàng nổi), cơ quan quản lý cấp địa phương vẫn thấy thiếu một điều gì đó.
Các địa phương vẫn thực hiện và quản lý công tác này theo cái cách và kinh nghiệm mình vẫn làm, còn các đơn vị kinh doanh thì mỗi nơi thực hiện quy chuẩn an toàn theo một kiểu. Hay nói cách khác, đến nay vẫn chưa có quy chuẩn chung về nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho từng đối tượng cụ thể (chủ tàu, thủy thủ tàu, thuyền viên, nhân viên phục vụ, quản lý bến bãi…) thế nên các địa phương vừa chờ vừa mò mẫm làm theo kinh nghiệm thực tế của mình.
Những câu hỏi chưa được trả lời
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy đều tin tưởng và cảm thấy an tâm khi các cơ quan quản lý Nhà nước đã sớm ban hành các Kế hoạch, Chỉ đạo cụ thể.
Họ quan niệm kinh doanh phải lấy chữ tín và an toàn làm trọng nên họ sẵn sàng tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ an toàn vì đó là điều cần thiết, không những cho du khách mà còn cho bản thân các thành viên kinh doanh du lịch đường thủy.
Các địa phương cũng đã sớm giao cho Sở VHTTDL phối hợp với Sở GTVT, các Cảng vụ đưa ra lộ trình đào tạo thích hợp để tất cả các thành viên của doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch đường thủy phải có được đầy đủ chứng chỉ cần thiết, đảm bảo an toàn mức cao nhất trong công tác phục vụ du lịch. Thế nhưng, điều quan trọng nhất là đào tạo theo chương trình nào; các đối tượng cụ thể sẽ được đào tạo ra sao; kinh phí đào tạo thế nào; nguồn kinh phí này sẽ do đơn vị nào chi trả; chứng chỉ đào tạo theo quy chuẩn nào… Tất cả các câu hỏi đó đều chưa có câu trả lời.
Đơn vị có thể trả lời rõ ràng những câu hỏi đó nhất, theo quy định trách nhiệm của Kế hoạch 3614 là Tổng Cục Du lịch. Cho đến những ngày cuối năm 2012, tức là sau hơn 1 năm bản Kế hoạch được ký duyệt, các địa phương vẫn cứ phải chờ Tổng cục Du lịch ban hành Chương trình đào tạo cụ thể. Các tỉnh Bến Tre, Đà Nẵng, Khánh Hòa… đều đề nghị sớm được hướng dẫn để mở các lớp tập huấn.
Thậm chí chờ lâu quá đã có những địa phương vẫn phải tổ chức tập huấn riêng theo cách của mình, tập huấn không chứng chỉ, tập huấn không giáo án mẫu. Khi xảy ra tai nạn ở Hang Sửng Sốt tháng 11/2012, ở Cà Mau, TPHCM, vụ sà lan HP2868 vào tháng 3/2012, 2 vụ va chạm tàu và sà lan ở Đồng Nai tháng 2, tháng 3/2012…, câu hỏi được đặt ra phải chăng là do sự thiếu trách nhiệm, do cách làm tắc trách, phân cấp trách nhiệm không rõ ràng hay là sự vô cảm trước những tai nạn của Tổng Cục Du lịch?.
Nhóm PV