Tác hại của lạm dụng thuốc kháng sinh

Nhiều hiệu thuốc tùy tiện bán thuốc kháng sinh không theo đơn, bỏ qua nguy cơ sức khỏe của người dân.
Nhiều hiệu thuốc tùy tiện bán thuốc kháng sinh không theo đơn, bỏ qua nguy cơ sức khỏe của người dân.
(PLVN) - Dự báo với tốc độ sử dụng kháng sinh như hiện nay, đến năm 2050, mỗi năm trên thế giới sẽ có khoảng 10 triệu người tử vong do kháng thuốc, con số gấp nhiều lần dịch Covid - 19. Theo các chuyên gia y tế, để hạn chế nguy cơ kháng thuốc, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng thì ý thức của người dân trong việc mua và sử dụng thuốc cần được nâng cao.

Hậu quả từ việc “làm thay bác sỹ”

Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng) kháng lại các thuốc kháng sinh đã nhạy cảm với các vi sinh vật này trước đây, dẫn đến việc áp dụng các phương pháp, thuốc điều trị đặc hiệu sẽ không hiệu quả, làm nhiễm khuẩn kéo dài, thậm chí gây tử vong và có thể lây nhiễm.

Ở Việt Nam, tình trạng kháng thuốc diễn ra vô cùng phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu do người dân có thói quen tự ý mua thuốc để điều trị, sử dụng các đơn thuốc từ những người quen hay từ những lần khám chữa bệnh trước đó. Việc tự ý mua thuốc để điều trị, dùng thuốc theo đơn thuốc của người khác không chỉ gây nhờn thuốc, kháng thuốc mà còn có nguy cơ nhập viện.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ vừa cấp cứu 2 bệnh nhân (BN) bị sốc phản vệ do sử dụng thuốc không phù hợp, trong đó một trường hợp tự ý dùng thuốc theo toa của người khác.

Theo người nhà nữ bệnh nhân N.T.H.L. (29 tuổi, ở TP Cần Thơ). chị N thấy đau lưng nên tự ý lấy thuốc của mẹ uống với mục đích giảm đau. Sau khi sử dụng thuốc, da chị L. nổi nhiều mẩn đỏ, ngứa. Chị tiếp tục mua 2 liều thuốc chống dị ứng uống. Uống xong liều thứ nhất khoảng 30 phút, BN bị nổi mẩn đỏ toàn thân, khó thở, tím tái phải cấp cứu ngay trong đêm. Trước đó, BV cũng tiếp nhận một nữ BN 78 tuổi sốc phản vệ do dùng thuốc nặng suýt mất mạng. 

Nhiều người dân cũng cho biết từng tùy tiện sử dụng thuốc. Tâm lý ngại đi khám tại phòng khám hay bệnh viện vì vừa mất công, mất thời gian, nhiều người thường sử dụng đơn thuốc cũ hoặc ra hiệu thuốc miêu tả triệu chứng bệnh để mua thuốc.

90% kháng sinh bán tại nhà thuốc không theo đơn

Dược sĩ Huỳnh Phương Thảo - BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, kháng sinh là nhóm thuốc bắt buộc phải được mua theo toa của bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay, các thống kê cho thấy tỉ lệ sử dụng kháng sinh không đúng đơn lên tới 91% ở khu vực nông thôn, 88% ở khu vực thành thị.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân lớn khiến việc bán kháng sinh không có hóa đơn là do chế tài xử phạt còn thiếu tính răn đe. Dẫn đến tình trạng nhiều hiệu thuốc vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua những nguy cơ sức khỏe của người dân.

Thời gian qua, Sở Y tế TP HCM đã khảo sát thực trạng bán các thuốc cần kê đơn tại TP HCM, với địa bàn thí điểm là quận Phú Nhuận. Khảo sát cho thấy còn nhiều người bán thuốc chưa hiểu rõ các quy định về bán kháng sinh.

Trước khi được can thiệp, tập huấn về quy định khi bán thuốc kê đơn, nhất là kháng sinh, nhiều người bán thuốc vẫn còn chưa rõ về các quy định như bán kháng sinh phải có đơn, lưu đơn sau khi bán... Tỉ lệ này được cải thiện rõ ràng sau can thiệp.

Sở Y tế TP HCM đang mở rộng can thiệp trên các địa bàn còn lại, song song với các biện pháp khác trong chương trình hành động “Phát triển dược lâm sàng, chuỗi cung ứng dược tại TP HCM giai đoạn 2020-2025”, trong đó nhấn mạnh việc tránh lạm dụng thuốc.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, liệt kê những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh như: sử dụng kháng sinh quá liều, dưới liều, lạm dụng, không theo đơn; việc kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc kháng sinh còn hạn chế; phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm chưa hiệu quả; hệ thống giám sát toàn diện về kháng thuốc quốc gia chưa được thiết lập; sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi chưa được kiểm soát hợp lý; các quy định chuyên môn chưa cập nhật thường xuyên; nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc còn hạn chế. 

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, vấn đề kháng kháng sinh đang là thách thức rất lớn cho loài người và cần phải có hành động kịp thời để làm chậm quá trình kháng kháng sinh trên toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới ước tính và cảnh báo đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Còn tại Việt Nam, tỷ lệ kháng kháng sinh chiếm khoảng 40%, đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng theo TS.BS Vĩnh Châu, vi khuẩn đa kháng thuốc liên tục xuất hiện nhưng việc nghiên cứu các loại thuốc mới lại khá chậm, phải mất ít nhất khoảng 12 năm mới có một loại thuốc mới. Trong khi đó, vi khuẩn chỉ cần một, hai năm đã có chủng đề kháng thuốc. Mặt khác, chỉ còn ít hãng dược phẩm lớn duy trì chương trình nghiên cứu kháng sinh. 

“Chúng ta thấy thời gian qua dịch Covid - 19 hoành hành đã làm chết trên 1 triệu người, số người chết rất lớn nhưng với tình hình lạm dụng kháng sinh như hiện nay, đến năm 2050, mỗi năm sẽ có khoảng 10 triệu người chết do bị đề kháng thuốc, con số người chết rất khủng khiếp, đồng nghĩa thiệt hại về kinh tế cũng rất lớn”, TS.BS Châu cảnh báo. 

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.