Tác động khôn lường tới sức khỏe con người

Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến mọi mặt về sức khỏe con người.(Nguồn: Internet)
Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến mọi mặt về sức khỏe con người.(Nguồn: Internet)
(PLVN) - Biến đổi khí hậu chính là mối đe dọa lớn nhất về sức khỏe mà loài người đang phải đối mặt. Nó “tấn công” con người thông qua mọi phương diện sống, từ đe dọa trực tiếp đến bầu khí quyển, đầu độc con người, hủy hoại lương thực, những căn bệnh nghiêm trọng và còn rất nhiều những hậu quả khác.

Chúng ta đang đối mặt với những gì?

Biến đổi khí hậu đã là một vấn đề không còn mới mẻ với thế giới, câu chuyện này cũng đã được nhắc đến từ hơn một thập kỉ qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mối lo biến đổi khí hậu ngày càng trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết.

Tiêu biểu nhất là hiện tượng nắng nóng ngày càng trở nên cực đoan và khó lường hơn. Từ đầu năm 2023 đến nay, thế giới đã chứng kiến những đợt nắng nóng đáng sợ. Các nhà khoa học khí hậu cho biết, thế giới có thể phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trung bình mới vào năm 2023 hoặc 2024, do biến đổi khí hậu và sự trở lại của hiện tượng thời tiết El Nino.

Phân tích của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ vào tháng 8 vừa qua cho thấy, năm 2023 có thể là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử thế giới. Theo các nghiên cứu của cơ quan này, vào tháng 7/2023, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn mức trung bình 1,12°C. Một trong những yếu tố chính khiến nhiệt độ tăng vọt khác thường gần đây là sự ấm lên ở bên trong và phía trên đại dương. Trong suốt nhiều tháng, các nhà khoa học cảnh báo, nhiệt độ mặt biển ở mức cao kỷ lục, kết quả từ những đợt nắng nóng trên khắp thế giới và NASA đưa ra dự báo đáng lo lắng rằng năm 2024 có thể còn nóng hơn năm 2023.

Bà Samantha Burgess - Phó Giám đốc tại Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung châu Âu (ECMWF) đã phát biểu: “Những đám cháy rừng đã liên tiếp diễn ra tại nhiều quốc gia, thải ra một lượng khí thải carbon khổng lồ. Mùa cháy rừng đến sớm hơn, những đám cháy lan rộng hơn, và kéo dài hơn. Tại dãy núi Alps, chúng ta cũng chứng kiến băng tan với tốc độ kỷ lục. Vì vậy, biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của tương lai mà là vấn đề hiện tại, hoặc nói đúng hơn là thách thức hiện tại mà tất cả chúng ta cần phải thích nghi và chung sống”.

Trả lời báo chí về những đợt nắng nóng vừa qua trên thế giới và tại Việt Nam, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã chia sẻ, có thể khẳng định rằng, biến đổi khí hậu đã có ảnh hưởng đáng kể đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á.

Theo báo cáo xuất bản ngày 6/7/2023 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ toàn cầu trong tháng 6/2023 cao hơn 0,5ºC so với trung bình nhiều năm (1991-2020), phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trước đó vào tháng 6/2019. Sang tháng 7, nhiệt độ trung bình ngày toàn cầu là 17,18ºC vào ngày 4 và ngày 5/7, theo dữ liệu được đối chiếu của Trung tâm Dự báo môi trường quốc gia Mỹ (NCEP) giá trị này đã vượt qua mức kỷ lục trước đó là 17,01ºC vào ngày 3/7.

Theo GS.TS Trần Hồng Thái, các đợt nắng nóng mạnh và thời tiết nóng bức trong những ngày 3 - 5/7 không chỉ do tác động của biến đổi khí hậu mà còn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino - hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, thường gây ra tình trạng thời tiết cực đoan về nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa, hạn hán, cháy rừng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Còn theo báo cáo về biến đổi khí hậu ở Việt Nam, với kịch bản nhiệt độ tăng lên và nước biển dâng thêm 1m, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất liền tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng theo nghiên cứu này, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5ºC và 2ºC thì thiệt hại trực tiếp đối với GDP của Việt Nam sẽ tương ứng là 4,5% và 6,7%. Mực nước biển dâng cũng dẫn tới sự sụt giảm diện tích trồng lúa gạo, như mực nước biển dâng là 60cm có thể dẫn đến sự sụt giảm diện tích trồng lúa lên tới hơn 50% tại một số địa phương, đe dọa an ninh lương thực của đất nước.

“Tấn công” toàn diện sức khỏe con người

Theo các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu gây ra rất nhiều tác động đáng lo ngại cho sức khỏe con người. Có thể kể đến một số hậu quả thường gặp như tăng nhiệt độ cơ thể, kiệt sức, sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm và bệnh mãn tính liên quan đến đường hô hấp như phổi, huyết áp, tim mạch, sốt rét, đột quỵ... Cạnh đó, còn có sự phát triển của côn trùng, vi sinh vật, cỏ dại gây hủy hoại mùa màng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, các dịch bệnh cũ bùng phát, dịch bệnh mới xuất hiện, hiện tượng bão, lũ lụt gây thiệt hại sinh mạng con người...

Khí hậu cực đoan có thể dẫn đến mất an ninh lương thực, gây ra những suy giảm về dinh dưỡng và sức khỏe. (Nguồn: Internet)
Khí hậu cực đoan có thể dẫn đến mất an ninh lương thực, gây ra những suy giảm về dinh dưỡng và sức khỏe. (Nguồn: Internet)

Tại Việt Nam, theo phân tích của các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết cực đoan sẽ gây ra nguy cơ ngập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung chịu nhiều rủi ro do lũ quét và sạt lở đất. Vùng duyên hải Trung Bộ và Nam Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, các vùng trung du và Tây Nguyên chịu rủi ro do hạn hán, thiếu nước và gia tăng hoang mạc hoá. Nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người bị bệnh tật là các nhóm có mức tổn thương cao nhất do biến đổi khí hậu.

Còn theo bài phân tích “Fast Facts on Climate and Health” từ www.cdn.who.int, thì biến đổi khí hậu gây ra ô nhiễm không khí, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, tình trạng mất an ninh lương thực, áp lực lên sức khỏe tâm thần, bệnh tật… tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân. Hằng năm có khoảng 13 triệu người tử vong do tác nhân liên quan đến yếu tố môi trường.

Hiện nay, hơn 90% người dân hít thở không khí ở mức độ ô nhiễm không tốt cho sức khỏe, phần lớn là do đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra biến đổi khí hậu. Cạnh đó, giao thông vận tải tạo ra khoảng 20% lượng khí thải carbon toàn cầu. Hệ thống sản xuất công nghiệp tạo ra một phần ba lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể gây nguy cơ dẫn đến 11 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Theo phân tích của bài viết, hệ thống y tế là tuyến phòng thủ chính cho các nhóm dân cư đang phải đối mặt với các mối đe dọa sức khỏe mới nổi, bao gồm cả biến đổi khí hậu. Để bảo vệ sức khỏe và tránh gia tăng bất bình đẳng về sức khỏe, các quốc gia phải xây dựng hệ thống y tế thích ứng với khí hậu.

Ước lượng vào năm 2050, thực hiện được các mục tiêu của Hiệp định Paris (Hiệp định quốc tế về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ 2016) có thể cứu khoảng một triệu sinh mạng mỗi năm trên toàn thế giới thông qua việc giảm thiểu ô nhiễm không khí. Tránh những tác động xấu nhất của khí hậu có thể giúp ngăn ngừa thêm 250.000 ca tử vong liên quan đến khí hậu mỗi năm từ năm 2030 đến năm 2050, chủ yếu là tác động từ suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và sốc nhiệt.

Trả lời báo chí về tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người, GS.TS Trần Hồng Thái nhấn mạnh: “Tôi đánh giá thực trạng khí hậu hiện tại là một sự thách thức lớn đối với cả hệ thống khí quyển và cuộc sống của con người. Chúng ta cần hiểu rõ về các thay đổi khí hậu để xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch ứng phó cho các hiện tượng thời tiết cực đoan là cần thiết. Đồng thời, chúng ta cũng cần tăng cường công tác nghiên cứu về khí hậu, tìm hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng và cách thức ứng phó.

Điều này có thể bao gồm việc thúc đẩy các biện pháp hạn chế phát thải khí nhà kính, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và đẩy mạnh công nghệ xanh. Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng thủy văn cũng rất quan trọng. Chúng ta cần chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, cùng nhau phát triển các giải pháp toàn cầu để ứng phó với thách thức khí hậu ngày càng tăng.

Thực trạng các đợt nắng nóng và tình hình thay đổi khí hậu liên quan đến biến đổi khí hậu và El Nino là một vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi sự quan tâm và hành động quyết liệt từ tất cả các quốc gia. Chúng ta cần hợp tác và thực hiện các biện pháp cụ thể để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống không chỉ cho hiện tại mà cho cả muôn đời sau”.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông
(PLVN) - Bờ biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) được xem là bãi biển đẹp nhất tỉnh nhưng đang bị nước biển xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Sạt lở bờ biển cũng uy hiếp các công trình hạ tầng đường giao thông, dầu khí, đồn biên phòng…

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái
(PLVN) - Bàu Cá Cái (Quảng Ngãi) là rừng ngập mặn được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi và đồi cát hình thành cách đây hơn 200 năm với những vết tích xưa cũ. Nơi đây không chỉ có tác dụng phòng hộ, chắn sóng mà còn mở ra hướng thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch cộng đồng.

Thay đổi lớn từ những hành động nhỏ

Lối sống xanh không chỉ là một xu hướng mà là một cách tiếp cận bền vững, giúp bảo vệ môi trường.
(PLVN) - Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu, mỗi hành động nhỏ hàng ngày của chúng ta đều có tác động lớn đến môi trường sống, góp phần vào việc giảm thiểu tác động xấu đến Trái đất.

Nỗ lực hơn nữa để tiếp nhận động vật hoang dã bị tịch thu từ buôn bán trái phép

Giải chạy thu hút hơn 300 vận động viên đến từ 26 quốc gia. (Ảnh: ENV)
(PLVN) - Ông Lương Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội đã khẳng định điều này tại Giải “Chạy để cứu hộ ĐVHD” tại Việt Nam trong khuôn khổ Giải chạy “Song Hong Half Marathon” lần thứ 15 vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Sporting Republic tổ chức.

Gấp rút hoàn thiện khung pháp lý về tín chỉ carbon

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tín chỉ carbon; là nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành triển khai thực hiện sau Hội nghị COP21 (năm 2015).

Thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nhờ sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế

Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Ảnh: Ngọc Nga
(PLVN) - Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế đã giúp Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) thu về hàng trăm triệu đồng. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước có giải pháp tái chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước, mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế, xã hội.