Nghiêm trọng hơn, cuộc nội chiến đã gây nên một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có trong lịch sử.
Căn nguyên từ đâu?
Syria là một quốc gia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni, chiếm khoảng 70% dân số. Tuy nhiên, cộng đồng thiểu số người Alawites, thuộc dòng Hồi giáo Shii’te chiếm khoảng 16% dân số, lại nắm quyền từ năm 1960 với sự tập trung quyền lực trong tay đảng Baath. Quân đội và bộ máy an ninh của Syria cũng được những người Alawites và các thành viên gia đình Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo.
Vốn được xem là nhà nước ổn định nhất trong thế giới Arab, thế nhưng khi cơn lốc biểu tình chống chính phủ lan rộng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi thì đất nước Syria cũng không thể tránh khỏi vòng xoáy của cơn lốc ấy. Ngày 15/3/2011, những người Hồi giáo dòng Sunni ở Syria đã tổ chức biểu tình chống chính phủ, châm ngòi cho những rối ren trong xã hội và các cuộc xung đột sắc tộc. Tuy ban đầu các cuộc biểu tình chỉ ở quy mô nhỏ với mục tiêu mở rộng các quyền tự do, nhưng sau đó nó đã lan rộng và trở thành các cuộc biểu tình đòi “lật đổ chính quyền” hiện hành, với lý do cuộc sống không được cải thiện trong khi nạn tham nhũng tràn lan.
Phe đối lập, những người nổi dậy, các binh sĩ “đào ngũ” tập hợp thành “Quân đội Syria tự do” đứng lên chống chính quyền. Sau đó, các cuộc biểu tình đã lên đến cao trào và biến thành bạo động khi một số kẻ quá khích tấn công và đốt phá một số cơ quan chính quyền địa phương. Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ cũng tổ chức các cuộc biểu tình phản đối phe đối lập tại nhiều thành phố trên cả nước. Họ khẳng định sự ủng hộ với ông al-Assad, coi ông là trụ cột của Syria trong xây dựng đất nước. Xung đột giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống với lực lượng đối lập làm nhiều người thương vong.
Kể từ đó, Syria rơi vào bất ổn với hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn, dẫn đến bạo lực, đổ máu... khiến không chỉ khu vực mà cả thế giới quan ngại. Dư luận cho rằng, tuy ban đầu cuộc khủng hoảng ở Syria diễn ra chỉ như là một phong trào chính trị hòa bình kêu gọi chuyển đổi dân chủ và phái ôn hòa vẫn là lực lượng chiếm ưu thế ở phe đối lập, nhưng sau này cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu lan rộng và biến thành nội chiến đẫm máu giữa quân đội của chính quyền Tổng thống Al-Assad với phe đối lập. Trong khi đó, các nhóm Hồi giáo cực đoan đã lợi dụng sự bất ổn ở Syria để biến nước này thành một “mặt trận” của các tổ chức khủng bố.
Cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 310.000 người và khiến hàng triệu người Syria phải rời bỏ đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu.
Khói lửa chiến tranh đã 6 năm bao trùm Syria. |
Làn sóng di cư lớn
Không chỉ tràn sang các nước láng giềng, người tị nạn Syria còn mạo hiểm tính mạng, lênh đênh trên những con thuyền thô sơ, vượt biển tới nơi mà họ coi là “miền đất hứa” châu Âu. Làn sóng người Syria bất ngờ ùn ùn đổ vào đã khiến “Lục địa già” lâm vào cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chủ đề này đã khiến Liên minh Châu Âu (EU) phải tiến hành nhiều hội nghị khẩn cấp trong năm 2015 và 2016 để tìm giải pháp cho vấn đề này.
Làn sóng người di cư khổng lồ, chủ yếu đến từ Syria, đã khiến nhiều quốc gia ở châu Âu bất lực và đẩy EU vào tình trạng “rối như canh hẹ” trong việc giải quyết chủ đề này. Bất đồng giữa các nước thành viên về vấn đề này càng lớn hơn sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel mở cửa biên giới Đức cho người tị nạn, gây ra tình trạng “mắc kẹt” tại các nước trung chuyển, buộc một số nước phải tái khởi động các chốt kiểm tra biên giới. Trong khi đó, thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ để tìm nơi ở cho hơn 2 triệu người di cư Syria bị mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đạt được kết quả khả quan, khi Ankara nhiều lần bị cáo buộc là không thể thu xếp ổn thỏa hay gây sức ép khiến người tị nạn phải rời bỏ quốc gia này.
Không chỉ “bào mòn” phúc lợi xã hội của EU, làn sóng người di cư ồ ạt đến từ Syria còn gây ra các nguy cơ an ninh lớn, nhất là tại các cửa khẩu biên giới. Chính vì vậy, một số quốc gia thành viên EU đã tiến hành đóng cửa biên giới để ngăn tình trạng quá tải người di cư.
Nguy cơ đe dọa khủng bố
Không chỉ gây ra tình trạng quá tải, năm 2015 và 2016, làn sóng người di cư từ Syria còn trở nên nguy hiểm hơn khi các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là phiến quân thuộc IS lợi dụng trà trộn vào dòng người này để tràn vào các nước mục tiêu ở phương Tây. Thực tế, đây không còn là mối đe dọa mà đã trở thành nỗi sợ hãi sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Pháp, Đức, Bỉ. Các nhóm khủng bố, đặc biệt là IS, cũng không hề che giấu âm mưu phát triển những “mầm mống” của IS ra toàn thế giới, nhất là châu Âu.
Mối đe dọa khủng bố này đã thổi bùng ngọn lửa cực hữu vốn đã âm ỉ cháy ở châu Âu. Khủng bố đã trở thành một trong những chủ đề nổi cộm trong các cuộc tranh luận chính trị tại “Lục địa già”. Những người theo đường lối dân túy đã tận dụng sự hoang mang, sợ hãi của người phương Tây, kêu gọi những chính sách kiểu như không tiếp nhận người di cư, cấm cửa người Hồi giáo mà phần lớn trong số đó đến từ Syria. Như vậy, có thể thấy chỉ riêng cuộc nội chiến ở Syria đã gây ra vô số hệ lụy khiến cả thế giới, đặc biệt là châu Âu rúng động.
Cuộc nội chiến tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 310.000 người, hàng triệu người phải rời bỏ đất nước. |
Đảo lộn cục diện bang giao
Vấn đề về Syria đã khiến cục diện quan hệ giữa các nước lớn thay đổi khi chính quyền Syria cho phép Nga không kích IS trên lãnh thổ Syria.
Chỉ trong 3 tuần đầu không kích lực lượng IS ở Syria, Nga đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố này ở Trung Đông. Hàng trăm cứ điểm quan trọng, nhiều nhà máy sản xuất vũ khí của IS đã bị phá hủy, hàng trăm tay súng IS bị tiêu diệt, nhiều chiến binh của tổ chức này phải rời bỏ hàng ngũ vì khiếp sợ. Chỉ với thời gian ngắn và gần 500 đợt không kích liên tục cả ngày lẫn đêm, Nga đã làm được điều mà Mỹ và liên quân hùng hậu gồm hàng chục quốc gia chưa thể làm được.
Đến nay quân đội Nga đã thực hiện 71.000 cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng của các nhóm khủng bố, phá hủy 725 trại huấn luyện, 405 nhà máy và xưởng sản xuất đạn dược, tiêu diệt 35.000 tay súng... giúp quân đội Syria giải phóng 12.360km2 lãnh thổ, trong đó có thành phố chiến lược Aleppo và 499 điểm dân cư.
Những kết quả mà quân đội Nga giành được tại chiến trường Syria đã khiến chiến dịch không khích chống IS của Mỹ và các đồng minh phương Tây bị lu mờ. Dù Mỹ khẳng định chiến dịch ném bom của Nga để hậu thuẫn Tổng thống Al-Assad sẽ không thay thế được sứ mệnh quân sự riêng của liên minh do Mỹ đứng đầu, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là sự hiện diện của Moskva đã buộc quân đội Mỹ phải thích nghi với không gian chiến trường mới, bất ngờ và phức tạp hơn.
Điều này đã giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện được tầm ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực Trung Đông, thách thức trực tiếp vai trò của Mỹ tại khu vực chiến lược này.
Nỗ lực cho hòa bình
Nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria, kể từ đầu năm 2016 đến nay đã diễn ra 4 cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Syria và các nhóm đối lập tại Geneva, Thụy Sĩ do Liên Hợp quốc (LHQ) bảo trợ. Mặc dù đại diện Chính phủ Syria và đại diện lực lượng đối lập đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại cuộc đàm phán đầu tiên ngày 27/2/2016, tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán, vấn đề chuyển tiếp chính trị và yêu sách của phe đối lập đòi Tổng thống Al-Assad phải từ bỏ quyền lực vẫn là vấn đề gây trở ngại lớn nhất.
Ngày 8/3/2017, Đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura thông báo chính phủ và các nhóm đối lập tại Syria đã được mời tham gia vòng hòa đàm mới tại Geneva vào ngày 23/3 tới. Đặc phái viên LHQ cũng cho biết vòng đàm phán thứ 5 sẽ tập trung vào tiến trình quản trị, hiến pháp, bầu cử, chống khủng bố cũng như có thể thảo luận về quá trình tái thiết.
Ngoài các cuộc đàm phán hòa bình do LHQ bảo trợ, từ đầu năm 2017 đến nay cũng đã diễn ra 2 cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Syria và các lực lượng đối lập tại thủ đô Astana của Kazakhstan do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ. Cuộc họp về Syria tại Astana là sáng kiến của Tổng thống Nga Putin nhằm mở ra cơ hội để khuyến khích các thủ lĩnh phe đối lập Syria tham gia vào “tiến trình chính trị” tiến tới có thể chấm dứt sự đổ máu, củng cố thỏa thuận ngừng bắn vốn rất mong manh tại Syria.
Các nhà phân tích cho rằng, dù còn nhiều bất ổn song những nỗ lực của cộng đồng quốc tế hy vọng sẽ mở ra cơ hội mang lại hòa bình cho Syria sau 6 năm nội chiến.