Được em trai tên K’Lối chở đến tòa trên chiếc xe máy mượn của nhà hàng xóm, K’Lối cũng chính là người phiên dịch cho bị cáo tại tòa. Cả hai đứng tần ngần nơi khoảng sân nhỏ bên hông tòa, phân vân như không biết phải bước theo lối nào. Khi thấy HĐXX, người đàn ông bất giác cứng người lại, ánh mắt lộ vẻ lo lắng.
Bị cáo tên K’Len, là người dân tộc Châu Mạ. K’Len sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Tân Phú (Đồng Nai). Chưa rành tiếng Việt, ít tiếp xúc với xã hội nên khi nói chuyện, K’Len cứ “lơ ngơ” vì nhận thức hạn chế. Mới 35 tuổi nhưng gương mặt bị cáo như già trước tuổi và toát lên vẻ khắc khổ. Một mình ông nuôi vợ ốm đau quanh năm và 2 đứa con thơ còn độ tuổi đi học. Để kiếm miếng ăn nuôi gia đình, K’Len làm rẫy, làm mướn. Nếu không có việc gì làm, ông đi bẫy chim đem về nhà ăn.Một lần, ông K’Lenvào rừng bẫy chim, vô tình nhặt được con voọc đã chết, đem về ăn mà xảy ra cớ sự.
Trở lại chuyện K’Len đến tòa, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai, ngày 6/11/2017, K’Len đem theo dụng cụ săn bắt là cái lồng sắt và con dao vào rừng Nam Cát Tiên bẫy chim. Sau khi bắt được một con chim chích chòe, trên đường đi K’Len phát hiện một con voọc chà vá chân đen đã chết sình nên dùng dao cắt lấy phần thịt đem về. Trên đường về thì gặp cán bộ kiểm lâm, họ kiểm tra phát hiện thấy xác con voọc trong túi thợ bẫy chim.
Sau khi xảy ra vụ việc, cán bộ Vườn Quốc gia Cát Tiên xác định con voọc chà vá chân đen đã chết sình, bốc mùi hôi và được bị cáo đem về ăn. Về vấn đề bồi thường thiệt hại, cơ quan chức năng định giá con voọc 1,5 triệu đồng và buộc gia đình bị cáo phải bồi thường.
Tưởng chừng như vụ việc đã kết thúc khi bị cáo đóng phạt. Thế nhưng, ngày 28/3/2018 TAND huyện Tân Phú đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo 4 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Ngày 10/4/2018 bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo. Ngày 25/7/2018 TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án.
- Tại phiên tòa, HĐXX hỏi: “Bị cáo có biết con voọc đó thuộc động vật quý hiếm không?”
- “Thưa, không biết! Khi bị bắt bị cáo mới biết” – bị cáo trả lời.
-Tòa hỏi tiếp: “Thế tại sao trong bản cáo trạng có ghi là có biết, được cán bộ, báo, đài trong vùng đã tuyên truyền”
-“Thưa, bị cáo nghĩ nó đã chết rồi. Hơn nữa nhà bị cáo không có gì ăn nên đem về ăn”, K’Len đáp.
Trong suốt phiên tòa, khuôn mặt của K’Len đầy lo lắng, căng thẳng, đôi mắt ông vội cụp xuống mỗi khi nhìn ánh mắt của HĐXX phía trên và những người tham dự phiên tòa bên dưới.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nhiều ý kiến người tham dự cho rằng: Cán bộ Vườn Quốc Gia Cát Tiên đã vội vàng kết tội ông K’Len có sai phạm là thiếu chính xác. Bởi hành vi cấu thành sai phạm của ông K’Len chưa được cơ quan chức năng làm rõ, đồng thời chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự như HĐXX phiên tòa phúc thẩm đã kết luận.
Xét thấy có nhiều mâu thuẫn trong cáo trạng, HĐXX hỏi đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên “Vì sao định giá được con voọc đã chết có giá 1,5 triệu đồng mà không phải 2 hay 3 triệu đồng”
“Thưa, đó là loài quý hiếm và vô giá. Còn việc định giá thì theo quy định của UBND tỉnh Đồng Nai về việc mỗi cá thể là 1,5 triệu đồng” – Đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết.
Trong suốt phiên tòa, K’Lối - em trai bị cáo ngồi bên, mắt luôn theo dõi và đầy lo lắng. K’Lối kể, từ ngày xét xử sơ thẩm K’Len, ngày nào ông cũng trong tâm trạng buồn bã, căng thẳng vì lo. Dạo này, K’Len buồn hẳn, nói cười cũng ít đi. Nhiều lúc cũng chẳng muốn làm lụng, nương rẫy cũng bỏ bê. Bởi bản án sơ thẩm còn treo lơ lửng trên đầu khiến ông cứ phập phồng lo sợ.
Được nói lời sau cùng, bị cáo bày tỏ mình là lao động chính trong nhà, gia đình thuộc diện khó khăn. Bị cáo xin tòa cho hưởng án treo để về nhà đi làm phụ hồ nuôi vợ và 2 con nhỏ. (K’Lối phiên dịch).
Theo HĐXX, xét thấy con voọc mà bị cáo đem đi đã chết không rõ nguyên nhân. Sau khi bị phát hiện, bị cáo cũng rất ăn năn, hối lỗi và đã bồi thường thiệt hại cho vườn Quốc gia Cát Tiên. Hành vi của bị cáo là ít nghiêm trọng, không gây thiệt hại cho người khác. Mặt khác, đây là lần đầu K’Len phạm tội và là người dân tộc thiểu số, nên không cần phải cách ly ra khỏi xã hội. HĐXX quyết định miễn trách nhiệm hình sự và bị cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.
Nghe mức án, biết mình không phải đi ngồi tù, gương mặt đen nhẻm của bị cáo dường tươi lên như được tiếp thêm sức sống. Không giấu vẻ mừng rỡ, ông mắt hướng về người em trai. Cả hai bước vội ra khỏi chốn công đường, đến cổng, họ cùng hướng mắt nhìn vào tòa lần nữa rồi dần khuất xa.