Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2020 là 70% cán bộ của các bảo tàng, ban quản lý di tích, cơ quan, đơn vị có liên quan trực tiếp đến công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam được tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tác nghiệp.
100% bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành về văn hóa dân tộc và 50% các bảo tàng cấp tỉnh sưu tầm bổ sung các tài liệu, hiện vật quý hiếm là di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; bảo quản cấp thiết đối với các tài liệu, hiện vật quý hiếm (đã có hoặc mới được sưu tầm).
Đề án đề ra nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiến hành kiểm kê theo 3 nhóm đối tượng (di vật, cổ vật; di tích; di sản văn hóa phi vật thể) nhằm nhận diện, xác định giá trị bảo đảm các tiêu chí về tính truyền thống, điển hình của di sản văn hóa; triển khai các hoạt động sưu tầm và bảo quản theo quy trình khoa học.
Đồng thời, đánh giá thực trạng trưng bày về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam tại các bảo tàng trên toàn quốc, làm căn cứ để tiến hành chỉnh lý, nâng cấp nhằm tăng cường tính hấp dẫn của nội dung trưng bày; đổi mới về nội dung, đa dạng hóa về hình thức giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam; tập hợp, xử lý thông tin về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.