Năm 2009 đi qua với những kết quả khả quan về kinh tế-xã hội, là động lực để Đà Nẵng tiếp tục phấn đấu vượt qua khủng hoảng, hướng tới phát triển bền vững trong năm 2010. Nhìn lại nỗ lực của một năm qua, có thể khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã không ngừng cố gắng, phát huy sức trẻ, tính năng động của một đô thị lớn ở miền Trung để nâng cao vị thế Đà Nẵng trong sự phát triển chung của cả nước.
Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng phấn đấu vượt qua khó khăn, hướng tới phát triển bền vững. |
Thành phố Đà Nẵng khởi đầu năm 2009 với vô vàn khó khăn, thách thức, nhất là sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của nhân dân. Xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm 2009 là phải vượt qua khủng hoảng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã bắt tay vào cuộc với hàng loạt những chính sách mới, kết hợp với những chính sách phát triển của Nhà nước, từng bước tạo nền móng vững chắc để phục hồi tăng trưởng kinh tế, mang lại những khởi sắc mới trong đời sống của người dân. Đến quý 3 năm 2009, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của Đà Nẵng vẫn còn chưa đạt mức theo yêu cầu kế hoạch đã định. Thế nhưng, sự tăng tốc vào những tháng cuối năm đã giúp cho thành phố từng bước phục hồi và đạt được những chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra.
Là một thành phố trẻ, năng động, Đà Nẵng đã có những chính sách linh hoạt, những quyết định mang tính sáng tạo, đột phá, tạo nên một nét đặc sắc riêng của thành phố biển miền Trung. Trong phát triển kinh tế, cùng với các chính sách kích cầu của Chính phủ, thành phố cũng đã có những giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh như: hỗ trợ lãi suất, cho vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển của thành phố; tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời các thủ tục pháp lý trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, chuyển hướng mạnh sang việc thu hút khách ở thị trường nội địa và các nước lân cận; phát động các chương trình “Tuần hàng Việt Nam”, “Tháng bán hàng khuyến mãi”, “Đưa hàng về nông thôn”…
Năm 2009, tổng sản phẩm GDP của thành phố tăng 11,2% so với năm 2008. Tỷ lệ này cho thấy sự phục hồi có hiệu quả của nền kinh tế thành phố trong điều kiện khủng hoảng vẫn ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển chung của cả nước.
Một điều đáng ghi nhận là song hành với phát triển kinh tế, thành phố Đà Nẵng rất chú trọng đến các vấn đề an sinh xã hội, xem đây là mục tiêu quan trọng để phát triển hài hòa giữa các yếu tố kinh tế-xã hội trong thời kỳ khó khăn hiện nay. Năm 2009, Đảng bộ và chính quyền các cấp đã quyết liệt thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, hạn chế học sinh bỏ học, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm lo về y tế, giáo dục…
Đảng bộ thành phố đã tạo ra những dấu ấn nổi trội so với những địa phương khác, bằng việc ban hành các Chỉ thị 24-CT/TU và Chỉ thị 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Qua đó, việc giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo, trẻ em hư, bỏ học, thanh-thiếu niên phạm pháp, các trường hợp bạo lực gia đình được đưa vào chương trình hành động của các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, các chương trình “5 không”, “3 có” tiếp tục được thực hiện với những biện pháp mạnh mẽ cũng như những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Nhiều người dân thành phố trong những buổi tiếp xúc cử tri cho rằng, việc tiếp tục thực hiện chương trình thành phố “5 không”, “3 có” là cần thiết. Điều đó cho thấy, Đảng và chính quyền rất quan tâm đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, sao cho bảo đảm môi trường sống lành mạnh, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo, tạo cơ hội cho những gia đình khó khăn, những người yếm thế trong xã hội vươn lên trong cuộc sống. So với những khó khăn, trở ngại còn đang chồng chất thì những gì mà thành phố Đà Nẵng đã làm được trong năm 2009 là một thành tích đáng khích lệ.
Cho đến hết năm 2009, vẫn còn bộn bề những công việc tồn đọng đòi hỏi Đảng bộ và chính quyền thành phố phải tìm biện pháp hiệu quả để giải quyết. Trong đó, chủ yếu là sự chậm trễ của một số công trình xây dựng cơ bản liên quan đến dân sinh; tình trạng kéo dài của các dự án đầu tư về dịch vụ, thương mại; những khó khăn trong phát triển sản xuất các ngành công nghiệp, nông-lâm-thủy sản; sự gia tăng tình trạng tội phạm trong xã hội…
Càng khó khăn, càng phải nỗ lực để vượt qua. Bên cạnh nội lực sẵn có, chính quyền thành phố đã và đang tìm kiếm sự hỗ trợ của các nguồn lực nước ngoài như vốn vay Ngân hàng Thế giới, tài trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản), của các quốc gia có quan hệ hợp tác với Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Về lâu dài, bằng sự năng động, sáng tạo, Đảng bộ và chính quyền thành phố quyết tâm xây dựng một hệ thống những giải pháp thiết thực, những chương trình phát triển xã hội mang tính đột phá.
Qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng sống cho người dân mà còn tạo nên một thành phố với môi trường đầu tư lành mạnh, môi trường sống xanh-sạch-đẹp và một không gian đô thị khang trang, hiện đại, xứng đáng với vị trí của một đô thị trung tâm khu vực miền Trung Việt Nam.
Bài và ảnh: HÀ AN